MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm trộn bê tông không phép của Công ty TNHH Long Thạch "mọc" trên diện tích 9.500m2 đất phi nông nghiệp tại xã Đông Mỹ (TP.Thái Bình). Ảnh: T.D

Thái Bình: Chiếm gần 10.000m2 đất phi nông nghiệp làm trạm bê tông

TRUNG DU LDO | 28/10/2021 17:37

Thái Bình - Công ty TNHH Long Thạch tự ý sử dụng 9.500m2 đất tại xã Đông Mỹ (TP.Thái Bình) để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm bê tông đúc sẵn khi chưa được UBND tỉnh Thái Bình quyết định cho thuê đất.

Theo phản ánh của người dân xã Đông Mỹ, năm 2015, Công ty TNHH Long Thạch (trụ sở đặt tại thôn Phạm, xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình) được UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng trạm trộn bê tông, sản xuất cọc – ép cọc bê tông Long Thạch (sau đây biết tắt là Bê tông Long Thạch) trên tổng diện tích đất 9.500m2 tại xã Đông Mỹ, TP.Thái Bình. 

Theo ghi nhận của PV, trạm trộn bê tông không phép này nằm sát cạnh Quốc lộ 39A theo hướng từ Quốc lộ 10 (TP.Thái Bình) đi huyện Thái Thụy, cách trụ sở UBND xã Đông Mỹ khoảng 300 mét. Ảnh: T.D
 Phía giáp sát mặt Quốc lộ 39A, Công ty TNHH Long Thạch xếp rất nhiều cọc bê tông thành phẩm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: T.D

Tuy nhiên, khi Dự án này mới chỉ được chấp thuận chủ trương đầu tư mà chưa hề hoàn thiện thủ tục hồ sơ pháp lý về đất đai, xây dựng, môi trường thì từ năm 2016, Công ty TNHH Long Thạch đã tiến hành xây dựng, lắp đặt trạm trộn bê tông, nhà điều hành và chính thức đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến nay.

Không những vậy, trong quá trình hoạt động, trạm trộn bê tông này của Công ty TNHH Long Thạch còn bị người dân địa phương phản ánh gây ô nhiễm môi trường, khói bụi, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của họ.

Phía sau trạm trộn tiếp giáp khu dân cư... 
Bên trong trạm trộn, hàng loạt công trình khác như nhà điều hành, khu kỹ thuật, khu sản xuất... được xây dựng bề thế, hoành tráng. Ảnh: T.D 

Một người dân sinh sống gần trạm trộn bê tông trái phép của Công ty TNHH Long Thạch, bức xúc: "Hàng ngày chúng tôi phải hứng chịu nào là bụi bẩn, tiếng ồn phát ra từ hoạt động sản xuất của trạm bê tông này. Cùng với đó là nguy cơ mất an toàn giao thông luôn rình rập khi các xe bồn chở bê tông tươi, vật liệu xây dựng chạy liên tục ra, vào trạm".

Theo tài liệu PV Lao Động được cung cấp, vào năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình đã chủ trì, phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Thái Bình, UBND xã Đông Mỹ tiến hành kiểm tra việc chấp  hành pháp luật đất đai, bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Long Thạch tại xã Đông Mỹ, TP.Thái Bình.

Ngày 14.6.2021 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình tiếp tục phối hợp với UBND xã Đông Mỹ làm việc liên quan đến quản lý, sử dụng đất của Công ty TNHH Long Thạch. 

Kết quả, qua kiểm tra thực tế việc quản lý, sử dụng đất và các hồ sơ, tài liệu có liên quan của Công ty TNHH Long Thạch, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình xác định: Công ty TNHH Long Thạch tự ý sử dụng 0,95ha (9.500m2) đất tại xã Đông Mỹ, TP.Thái Bình để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm bê tông đúc sẵn khi chưa được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất, vi phạm quy định tại Điều 12, Luật Đất đai năm 2013.

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình sau đó đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty TNHH Long Thạch về hành vi: Chiếm đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (diện tích 0,95 ha tại xã Đông Mỹ, TP.Thái Bình, thời điểm bắt đầu vi phạm từ 1.12.2016) quy định tại điểm d, khoản 4, Điều 14, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19.11.2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Ngoài quỹ đất phi nông nghiệp chiếm dụng ban đầu, Công ty TNHH Long Thạch còn có dấu hiệu "thâu tóm" thêm cả những diện tích đất nông nghiệp kề cận để mở rộng quy mô. Ảnh: T.D 

Tiếp đó, ngày 23.6.2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình có Tờ trình số 282/TTr-STNMT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty TNHH Long Thạch về hành vi vi phạm nêu trên, trong đó có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại diện tích đất đã chiếm dụng.

Vậy nhưng cho đến nay, trạm trộn bê tông trái phép của Công ty TNHH Long Thạch vẫn ngang nhiên tồn tại, tiếp tục hoạt động không phép gây ô nhiễm môi trường, bức xúc dư luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn