MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù nhiều lần bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm và chưa đủ các điều kiện theo quy định nhưng cơ sở sơ chế chân gà rút xương ở xã Bắc Hải (huyện Tiền Hải, Thái Bình) vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: T.D

Thái Bình: Cơ sở sơ chế chân gà rút xương gây ô nhiễm môi trường

TRUNG DU LDO | 26/09/2021 13:55
Mặc dù nhiều lần bị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra, lập biên bản vi phạm nhưng một cơ sở sơ chế chân gà rút xương, thịt gà ủ muối ở xã Bắc Hải (huyện Tiền Hải, Thái Bình) vẫn ngang nhiên hoạt động "chui", gây ô nhiễm môi trường giữa khu dân cư.

Gần đây, PV Lao Động liên tục nhận được phản ánh của người dân thôn Bát Cấp Đông, xã Bắc Hải (huyện Tiền Hải, Thái Bình) về việc một cơ sở sơ chế chân gà rút xương đã hoạt động được hơn 2 năm qua gây ô nhiễm, xả thải trực tiếp ra môi trường. 

Tiếp nhận phản ánh của người dân, PV đã tìm về cơ sở nói trên để xác minh, ghi nhận thực tế.

Theo quan sát, cơ sở sơ chế chân gà, thịt gà đông lạnh này nằm ngay trong khu dân cư, phía bên ngoài xưởng sản xuất không có biển hiệu, bảng tên công ty, nhãn hàng. Thoạt nhìn qua thì rất khó để nhận ra đây là một cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm.

Bên ngoài cơ sở sơ chế đến 2 tấn thịt chân gà/ngày này không có biển hiệu, bảng tên. 
 Con mương phía trước mặt cơ sở nước đen, bẩn. Ảnh: T.D

Trong vai khách hàng có nhu cầu nhập hàng với số lượng lớn, PV đã thâm nhập được vào bên trong xưởng sản xuất, sơ chế hàng đông lạnh này. Với quy mô khoảng 300 m2, khu xưởng được xây dựng sơ sài, thực phẩm được để ngay dưới nền bêtông. Xương chân gà sau khi được bóc gỡ, lọc hết thịt được kéo ra ngoài chất đống trên xe cải tiến tự chế, chờ được mang đi xử lý. 

Xương chân gà chất đống trước cửa cơ sở gây mùi hôi thối, ô nhiễm...
Chậu, rổ rá đựng nguyên liệu sơ chế được công nhân rửa ngay dưới dòng nước mương đen ngòm. Ảnh: T.D 

Tại thời điểm ghi nhận, có khoảng 30 công nhân, nhân công chủ yếu là người dân trong xã đang bóc, rút xương chân gà mà không được trang bị quần áo, bảo hộ lao động theo quy định. Cơ sở này hoàn toàn được xây dựng nằm trên đất thổ cư của ông Trần Xuân Hội, người thôn Bát Cấp Đông.

Bà Huế (con gái ông Hội) nhận là quản lý của cơ sở, giới thiệu: "Trong xưởng lúc làm việc đông nhất là 90 công nhân, mỗi ngày xưởng này chế biến được khoảng 2 tấn thịt chân gà. Mức lương trung bình của công nhân ở đây từ 5-7 triệu đồng, thời gian làm việc của mỗi công nhân trung bình khoảng 11 tiếng/ngày".

Thịt chân gà thành phẩm chất đống dưới nền bêtông chờ xếp, đóng gói. Ảnh: T.D
Công nhân đang xếp thịt chân gà vào các khay. Ảnh: T.D

Trao đổi với PV, ông Đỗ Mạnh Cường - Chủ tịch UBND xã Bắc Hải, cho hay: "Xưởng đã hoạt động trên địa bàn được hơn 2 năm, nhiều lần bị chính quyền địa phương xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất. Khi có phản ánh của người dân về việc ô nhiễm, hồi tháng 5 vừa rồi cũng đã có đoàn kiểm tra liên ngành của huyện về kiểm tra, làm việc với chủ xưởng, nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được kết luận vụ việc".

Theo nội dung biên bản, tài liệu do UBND xã Bắc Hải cung cấp, năm 2019, ông Trần Xuân Hội thành lập cơ sở chế biến chân và rút xương. Trong thời gian mới hoạt động, ông Hội chưa có biện pháp thu gom, xử lý nước thải (nước thải trực tiếp xả ra sông).

Báo cáo của UBND xã Bắc Hải về cơ sở sơ chế chân gà Trần Xuân Hội. Ảnh: T.D 

UBND xã Bắc Hải đã 3 lần làm việc với ông Hội, yêu cầu ông Hội phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện phân loại, thu gom xử lý chất thải, các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường. Ông Hội đã cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

 Sản phẩm thịt gà nổ muối tiêu chanh của cơ sở. Ảnh: T.D

Ông Phạm Thành Nhương – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Thái Bình) - thông tin: "Vừa qua, đại diện cơ sở chân gà rút xương của ông Trần Xuân Hội đã đến Chi cục để hỏi về hồ sơ, thủ tục và đề nghị được xem xét cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng do trước đó nhiều lần cơ sở này bị người dân phản ánh, đơn thư đến cơ quan chức năng vì để xảy ra ô nhiễm môi trường nên chúng tôi không phê duyệt và chưa cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở này" - ông Nhương khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn