MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cận cảnh xưởng sản xuất thạch rau câu của nhà 1 cán bộ tỉnh Thái Bình "bức tử" môi trường. Ảnh: Trung Du

Thái Bình: Dân kêu trời vì bị cơ sở sản xuất thạch rau câu "tra tấn"

TRUNG DU LDO | 14/05/2022 16:01

Thái Bình - Người dân thôn Thanh Cách (xã Minh Khai, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) tố cáo một cơ sở sản xuất thạch rau câu trên địa bàn xây dựng trái phép, có dấu hiệu xả thải trực tiếp chưa qua xử lý, "bức tử" môi trường.

Vừa qua, phóng viên Báo Lao Động nhận được phản ánh của hàng chục hộ dân đại diện cho cử tri, nhân dân thôn Thanh Cách (xã Minh Khai, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) về việc từ cuối năm 2020 đến nay, hộ gia đình ông Đ.V.B xây dựng xưởng sản xuất thạch rau câu trái phép tại khu đất chuyển đổi (khu Rằm) trong thôn khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Xưởng sản xuất thạch rau câu của gia đình ông B. Ảnh: T.D
Từ những cây dương xỉ mọc dại...
...đến cây bèo lục bình gần xưởng đều bị chết héo. Ảnh: T.D

Không những vậy, trong quá trình sản xuất, xưởng của gia đình ông B. đã đang phát tán ra mùi khét, hôi thối nồng nặc. Đặc biệt, nước thải từ xưởng này còn được xả thải trực tiếp ra môi trường khi chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân xung quanh.

Tiếp nhận phản ánh từ người dân, chiều ngày 13.5, phóng viên Lao Động đã tìm về khu vực nói trên để ghi nhận thực tế, tìm hiểu tình hình.

Ngay khi vừa đặt chân đến nhà ông Đ.Q.K (48 tuổi) và nhà ông V.V.N (36 tuổi) cùng trú thôn Thanh Cách, xã Minh Khai - là 2 trong số hàng chục người dân cùng ký vào đơn kiến nghị tập thể gửi từ xã lên tỉnh - đồng thời là 2 gia đình tiếp giáp, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ quá trình sản xuất của cơ sở làm thạch rau câu của gia đình ông Đ.V.B, chúng tôi cảm nhận rõ rệt mùi chua, khét khó chịu xộc thẳng lên mũi, miệng. Cảm giác buồn nôn, khó thở là điều bất cứ ai cũng có thể dễ dàng trải qua khi đặt chân đến đây.

Người dân khu Rằm (thôn Thanh Cách, xã Minh Khai) trao đổi với PV Lao Động. Ảnh: T.D

Khó có thể hình dung, ngay tại khu vực đông dân cư, chỉ đi mấy bước chân đã ra đến Quốc lộ 39, lại là nơi tiếp giáp với thị trấn Hưng Hà và cách trụ sở các cơ quan hành chính hàng đầu của huyện Hưng Hà chừng chưa đến 1 km lại tồn tại một "ngòi nổ" phát tán ô nhiễm như vậy.

"Chúng tôi ở đây, từ già đến trẻ đã phải chịu đựng, sống chung với mùi như vậy từ khoảng 1 năm rưỡi trở lại đây. Hôm nay còn đỡ vì hôm qua mới mưa một trận to, chứ những ngày oi bức, nắng nóng thì mùi nồng nặc đến nỗi kinh khủng hơn cả trang trại nuôi lợn, nuôi bò đặt cạnh", ông K. cho biết.

 Tiếp đó là dẫn phóng viên đi chứng kiến tận mắt hành vi có dấu hiệu xả thải gây ô nhiễm môi trường của xưởng sản xuất thạch rau câu. Ảnh: T.D

Còn ông N. thắc mắc: "Tháng 2.2021, chúng tôi đã có đơn kiến nghị, phản ánh sự việc lên các cấp có thẩm quyền tại địa phương. Tuy vậy việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, thiệt hại về kinh tế, sức khỏe của người dân do xưởng nhà ông Đ.V.B gây ra vẫn chưa được xử lý hiệu quả. Thậm chí tình trạng ô nhiễm lúc sau nặng hơn lúc trước. Cá nuôi ở một số ao của chúng tôi đã chết, chưa được đền bù. Các diện tích trồng lúa, cây màu đều bị ảnh hưởng năng suất".

Tiếp đó, ông K. ông N. và một số hộ dân khác dẫn chúng tôi đi mục sở thị điểm được cho là vị trí xưởng sản xuất thạch rau câu của hộ ông B. trực tiếp xả thải chưa qua xử lý ra kênh, mương nội đồng và các vùng nước đen sì, hôi thối xung quanh.

Dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước xung quanh khu vực xưởng sản xuất thạch rau câu đến mức báo động. Ảnh: T.D

Ngay tại thời điểm ghi nhận, chúng tôi phát hiện một dòng nước thải đen như mực vẫn không ngừng được đẩy ra từ mang cống cách vị trí đặt xưởng sản xuất thạch rau câu của gia đình ông Đ.V.B khoảng 200m.

Xác nhận sự việc, ông Phạm Hải Đàm - Bí thư Chi bộ thôn Thanh Cách, nói: "Tiếp nhận phản ánh của nhân dân, cấp chi ủy, lãnh đạo thôn cùng các tổ chức đoàn thể trong thôn đã đến nêu ý kiến, đặt vấn đề với cơ sở sản xuất là phải khắc phục ngay ô nhiễm cho nhân dân nhưng không có kết quả. Chúng tôi cũng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị gửi lãnh đạo xã Minh Khai. Xã nói đã báo cáo lên phòng chức năng của huyện rồi thế nhưng chúng tôi chưa thấy huyện trả lời, cũng như chưa thấy phòng, chức năng liên quan về địa phương để kiểm tra, xác minh thực tế".

Dòng nước thải đen như mực vẫn không ngừng được xả ra. Ảnh: T.D
Ông Phạm Hải Đàm - Bí thư Chi bộ thôn Thanh Cách. Ảnh: T.D

Trả lời phóng viên Lao Động xung quanh sự việc, ông Phạm Văn Ánh - Chủ tịch UBND xã Minh Khai, huyện Hưng Hà - cho biết: "Cái chỗ này thì người dân có ý kiến lên, chúng tôi cũng đã nắm được rồi và đã có báo cáo UBND huyện và các phòng, đơn vị có liên quan. Huyện cũng đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường sắp xếp một buổi xuống địa phương để làm việc. Trên cơ sở kiểm tra, ghi nhận nếu thấy mức độ ô nhiễm lớn thì phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND huyện quyết định đóng cửa, dừng hoạt động của khu vực này".

"Khu đất đó là khu vực trước đây đã chuyển đổi, về nguyên tắc không được phép xây dựng xưởng sản xuất này, chúng tôi cũng đã nhiều lần lập biên bản vi phạm trong quá trình chủ xưởng tiến hành xây dựng. Nhưng họ vẫn cố tình làm", ông Ánh cho biết thêm.

Sự việc đã diễn ra gần 1 năm rưỡi đến nay, không hiểu vì lý do gì UBND huyện Hưng Hà, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện vẫn chưa thể... sắp xếp được thời gian về làm việc, kiểm tra thực tế để có câu trả lời rõ ràng, thỏa đáng và phương án giải quyết cụ thể cho người dân sống trong vùng ô nhiễm?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn