MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau khoảng 5 năm hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường, đến nay cơ sở tái chế nhựa, sơ chế phế liệu tại xã Tân Phong (huyện Vũ Thư, Thái Bình) đã bị đình chỉ. Ảnh: T.D

Thái Bình: Đình chỉ hoạt động xưởng tái chế nhựa không phép ô nhiễm

TRUNG DU LDO | 12/10/2021 19:07
Liên quan vụ việc hàng ngàn m2 đất thuộc hành lang thoát lũ đê Trà Lý, đoạn qua xã Tân Phong (huyện Vũ Thư, Thái Bình) bị chiếm dụng, "hô biến" thành xưởng tái chế nhựa không phép, gây ô nhiễm môi trường mà Báo Lao Động đã phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Ngày 12.10, thông tin từ UBND huyện Vũ Thư (Thái Bình) cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ dư luận về việc cơ sở tái chế phế liệu tiến hành sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; thực hiện chỉ đạo của HĐND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình, UBND huyện Vũ Thư đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Phúc Thành, UBND xã Tân Phong tổ chức làm việc với cơ sở sơ chế phế liệu của hộ gia đình ông Bùi Văn Tùy tại khu vực giáp ranh hai xã Phúc Thành và Tân Phong. 

 Bên trong cơ sở sản xuất nhếch nhác, bẩn thỉu. Ảnh: T.D

Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ sở tiến hành hoạt động sản xuất sơ chế phế liệu (bao bì xác rắn, dây bạt nhựa đã qua sử dụng) qua quá trình băm, giặt, rửa sau đó đóng bao thành phẩm bán lại cho các cá nhân có nhu cầu.

Hoạt động sản xuất của cơ sở nằm tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Tân Phong và Phúc Thành, trên phần diện tích đất nông nghiệp của UBND xã quản lý, nằm trong hành lang bảo vệ đê điều, không có hợp đồng thuê khoán đất.

Cơ sở này hoạt động sản xuất khi chưa có thủ tục hành chính về đầu tư được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, cho phép hoạt động sản xuất; không có giấy phép đăng ký kinh doanh, chưa có thủ tục hành chính về môi trường, đất đai theo quy định. 

Nước thải chưa qua xử lý tuồn ra sông Trà Lý. Ảnh: T.D 

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất sơ chế phế liệu của cơ sở cũng chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, nước thải chưa được xử lý triệt để và xả trực tiếp ra sông Trà Lý qua 3 cửa xả; chất thải sau sản xuất gồm vụn bạt được thu gom đóng bao, tuy nhiên chưa được thu gom triệt để vẫn còn hiện tượng xả thải theo đường ống chảy trực tiếp ra sông Trà Lý; việc xử lý chất thải phế liệu chưa được đảm bảo môi trường, không có mái che chắn, nước mưa chảy tràn qua khu vực sản xuất kéo theo vụn phế liệu chảy ra sông Trà Lý gây ô nhiễm môi trường.

UBND huyện Vũ Thư đã chỉ đạo dừng ngay hoạt động sản xuất của cơ sở sơ chế phế liệu trong khu đất thuộc hành lang đê do UBND xã quản lý.

Trường hợp cơ sở có nhu cầu hoạt động thì phải thực hiện các thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường, các thủ tục có liên quan và chỉ được triển khai thực hiện khi hoàn thiện các thủ tục nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.

Theo ghi nhận, hiện nay cơ sở đã dừng hoạt động. Ảnh: T.D 

Chiều 12.10, theo ghi nhận của PV Lao Động, hiện cơ sở sơ chế phế liệu nói trên của hộ ông Tùy đã dừng hoạt động, tuy nhiên máy móc, vật tư thiết bị vẫn chưa được gia đình ông này chuyển ra khỏi khu vực vi phạm.

Ông Nguyễn Hữu Ngạn - Chủ tịch UBND xã Tân Phong, cho biết: "Theo chỉ đạo của UBND huyện, đến nay chúng tôi đã yêu cầu dừng hoạt động sản xuất đối với cơ sở vi phạm. Do hộ ông Tùy chưa tìm được quỹ đất mới ở nơi khác để tiếp tục sản xuất nên chắc phải mất thời gian khoảng mấy tháng để có thể di dời, vận chuyển đồ đạc, máy móc, nguyên liệu ra khỏi diện tích vi phạm".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn