MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chất thải, nước thải từ hoạt động sản xuất của cơ sở sản xuất giấy tiền, vàng mã ở thôn Hoành Từ (xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Ảnh: Bá Dương

Thái Bình: Nhiều sai phạm tại xưởng sản xuất giấy tiền vàng mã bị tố gây ô nhiễm

TRUNG DU LDO | 06/04/2023 14:38

Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình đã chỉ ra hàng loạt vi phạm về thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường tại cơ sở sản xuất giấy tiền, vàng mã ở thôn Hoành Từ năm 2021. Thế nhưng, cả UBND huyện Đông Hưng và chủ cơ sở sản xuất đều chưa khắc phục, giải quyết vi phạm cũ, để rồi dẫn đến phát sinh vi phạm mới.

Khẩn trương hoàn tất hồ sơ xử lý vi phạm

Liên quan vụ việc người dân thôn Hoành Từ (xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) tố cáo xưởng sản xuất giấy tiền, vàng mã gây ô nhiễm môi trường mà báo Lao Động đã phản ánh qua bài viết "Cơ sở sản xuất tiền vàng mã gây ồn, xả thải khiến cả khúc sông ngả màu", ngày 5.4, trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Thái Bình cho biết: Đơn vị đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình, UBND huyện Đông Hưng và UBND xã Đông Cường hoàn tất các nội dung kiểm tra, đợi kết quả quan trắc mẫu, thực nghiệm hiện trường... để có đủ căn cứ hoàn thiện hồ sơ kiểm tra, kết luận, từ đó có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.

Xưởng sản xuất giấy tiền, vàng mã của hộ ông Lại Thế Thoan. Ảnh: Bá Dương

Ông Phạm Văn Hoài - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) - cho hay: "Sở Tài nguyên Môi trường cũng đã đến kiểm tra và có kết luận từ đầu năm 2022. Sau đó, Sở giao về huyện và huyện đang có những động thái để tuyên truyền vận động trường hợp này. Còn một số vướng mắc đợt này huyện sẽ xử lý".

Sai từ quyết định của huyện Đông Hưng

Theo tài liệu được cung cấp, tháng 12.2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình ban hành kết luận kiểm tra về việc thực hiện pháp luật tài nguyên và môi trường đối với hộ kinh doanh cá thể của ông Lại Thế Thoan tại thôn Hoành Từ (xã Đông Cường, huyện Đông Hưng).

Theo nội dung kết luận, hộ kinh doanh cá thể ông Lại Thế Thoan đã được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đông Hưng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 2017; ngành nghề kinh doanh là sản xuất giấy và thành phẩm từ giấy (giấy tiền, giấy vàng mã, giấy kraft các loại...), sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng.

Ông Thoan trước đó nhận chuyển nhượng lại khu đất có diện tích 2.161 m2 của vợ chồng ông Nguyễn Đình Sỹ, bà Phạm Thị Tuyết và đã được UBND huyện Đông Hưng cấp Giấy phép xây dựng 

Trước đó nữa, năm 2011, UBND huyện Đông Hưng ký quyết định cho ông Nguyễn Đình Sỹ, bà Phạm Thị Tuyết thuê 2.161 m2 đất nói trên để sử dụng vào mục đích xây dựng cơ sở sản xuất tái sinh giấy, giấy tiền, gia công lắp ráp bật lửa; thời hạn thuê đất đến hết ngày 31.12.2030.

Chất thải, nước thải bên trong cơ sở. Ảnh: Bá Dương

Tuy nhiên, theo kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình, UBND huyện Đông Hưng có quyết định cho hộ kinh doanh cá thể thuê khu đất nói trên khi chưa có thủ tục về đầu tư.

Việc này chưa đúng quy định tại Điều 14 của quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa trong hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình ban hành kèm theo Quyết định số 68/2006/QĐ-UBND ngày 23.11.2006 của UBND tỉnh này.

Bên cạnh đó, năm 2017, hộ kinh doanh có đơn xin đăng ký thay đổi thực hiện bản cam kết bảo vệ môi trường đã được UBND huyện Đông Hưng xác nhận tại Văn bản số 15/CKMT-UBND ngày 22.8.2011. 

Nội dung thay đổi đã được UBND huyện Đông Hưng đồng ý tại Văn bản số 538/UBND ngày 15.8.2018.

Theo quy định, dự án xây dựng cơ sở sản xuất giấy từ phế liệu thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh Thái Bình. 

Do đó, việc UBND huyện Đông Hưng ký văn bản xác nhận vào bản cam kết bảo vệ môi trường của hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Đình Sỹ (sau chuyển cho ông Lại Thế Thoan) là không đúng thẩm quyền. Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình yêu cầu UBND huyện Đông Hưng phải thu hồi hoặc hủy bỏ 2 văn bản xác nhận này. 

UBND huyện Đông Hưng còn phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường không đúng thẩm quyền và cho thuê đất để thực hiện dự án khi chưa có thủ tục về đầu tư theo quy định; đồng thời phải hủy bỏ hoặc thu hồi 2 quyết định cho thuê đất trái quy định.

Chủ cơ sở vẫn ngang nhiên vi phạm

Đối với bản thân hộ kinh doanh Lại Thế Thoan, kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình chỉ ra rằng, khu lưu giữ chất thải nguy hại của cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định; không có báo cáo quản lý chất thải nguy hại theo quy định; xả nước thải ra ao trong khuân viên cơ sở sản xuất vượt quy chuẩn.

Hoạt động xả thải của cơ sở khiến 1 khúc sông Tiên Hưng nước ngả màu vàng đục. Ảnh tư liệu do người dân cung cấp.

Từ các lẽ trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh phải chấp hành nhiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND huyện Đông Hưng trong việc thu hồi hoặc hủy bỏ 2 văn bản xác nhận và 2 quyết định cho thuê đất theo quy định.

Đặc biệt, cơ sở chỉ được nhập nguyên liệu và tổ chức sản xuất khi đã hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, môi trường và được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình là vậy, song trên thực tế, cả UBND huyện Đông Hưng lẫn hộ kinh doanh cá thể Lại Thế Thoan đến nay đều chưa khắc phục, thực hiện.

Hàng ngày, cơ sở sản xuất giấy tiền này vẫn ngang nhiên hoạt động, để rồi người dân xóm 2, thôn Hoành Từ (xã Đông Cường, huyện Đông Hưng) vẫn phải thường xuyên kêu cứu do ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí và nguồn nước từ hoạt động sản xuất của cơ sở này gây ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn