MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không chỉ nguy cơ sạt lở vùi lấp khu dân cư, phát tán bụi và tiếng ồn, bãi thải của Công ty than Khánh Hoà còn khiến dòng suối Nam Tiền (xóm 13, xã Phúc Hà, TP. Thái Nguyên) bị chặn lại gây ngập úng và ô nhiễm nguồn nước.

Thái Nguyên: Sống dưới chân bãi thải, khi nào người dân mới hết khổ?

Nguyễn Tùng LDO | 12/05/2022 12:12
Thái Nguyên - Sống dưới chân bãi thải của Công ty than Khánh Hoà đã nhiều năm nhưng người dân xóm 13 (xã Phúc Hà, TP. Thái Nguyên) không nhớ nổi bao nhiêu lần phải dùng tới thuyền để ra khỏi nhà, thậm chí bỏ của chạy lấy người trong đêm để giữ tính mạng mỗi khi mưa lớn.

This browser does not support the video element.

Nước thải trong quá trình khai mỏ của Công ty than Khánh Hoà vẫn được đổ ồ ạt ra bãi thải rồi tràn xuống suối, ngấm vào nguồn nước ngầm của người dân xã Phúc Hà (TP. Thái Nguyên).

Biết là nước bẩn nhưng vẫn phải dùng

Dòng suối Nam Tiền chảy qua xã Phúc Hà có chiều dài khoảng 2 km, trong trí nhớ của người dân đó là một dòng suối trong xanh thơ mộng khi người già, trẻ nhỏ cùng ra tắm mát mỗi chiều xuống. Nhưng nay điều đó chỉ còn ở trong ký ức xa xôi.

Từ khi bãi thải của Công ty Than Khánh Hoà - VVMI (trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV - CTCP) mở rộng về phía xóm 13 (nay là xóm Nam Tiền, xã Phúc Hà) thì suối Nam Tiền đã thực sự trở thành dòng suối chết.

Nước giếng khoan tại xóm 13 (xã Phúc Hà, TP. Thái Nguyên) đen ngòm màu than, bốc mùi hôi tanh. 

Dẫn PV ra chiếc giếng khơi đã có tuổi đời mấy chục năm, bà Dương Thị Lường (xóm 13) bức xúc: "Đây, các cháu nhìn đi, nước đen ngòm nổi bọt váng mà lại hôi tanh thế này thì dùng sao được. Trước kia trong lắm, chẳng phải lọc gì mà vẫn dùng bình thường".

Núi bãi thải sừng sững cao cả trăm mét chắn ngang suối Nam Tiền khiến chúng phải chảy theo hướng khác. Bên dưới dòng suối là một màu đen ngòm giống nước thải từ các bãi tuyển  rửa than chảy ra.

Theo bà Lường, nguyên nhân là do các chất bẩn từ bãi thải ngấm xuống khiến dòng suối đổi màu. Nếu như trước kia người dân có thể lấy nước suối để tưới rau, giặt quần nào thì nay đến rửa tay cũng không ai dám.

Theo bà Hoàng Thị Đào, người dân xóm 13 đã không thể dùng được nước từ dòng suối Nam Tiền từ cả chục năm nay. 

Nước bẩn từ suối lại ngấm xuống đất, cả xóm 13 Nam Tiền gần như phải dùng toàn bộ nước giếng khơi để sinh hoạt, biết là ô nhiễm nhưng vẫn phải dung vì không còn nguồn nào khác. Lọc nước cũng chỉ là biện pháp giải toả tâm lý.

Rồi cũng từ nước bẩn mà sinh ra các bệnh ngoài da, bà Hoàng Thị Đào (xóm 13) cho biết: "Từ già đến trẻ trong thôn gần như đều bị bệnh ngoài da như ngứa, nổi mẩn đỏ. Thương nhất vẫn là lũ trẻ, đã phải hít khói bụi, tiếng ồn từ bãi thải rồi lại còn thêm nước bẩn nữa".

Ám ảnh tháo chạy trong đêm

Tiếp tục dẫn PV ra phía đầu ngõ nơi đặt một chiếc thuyền tôn nhỏ, bà Lường bảo: "Con thuyền này là phương tiện duy nhất giúp chúng tôi có thể ra khỏi nhà mỗi khi mưa lớn. Một năm vài lần mưa lớn, suối bị chặn không thoát kịp khiến nước dâng cao cô lập cả khu dân cư, khổ vô cùng".

Trong ký ức của bà Lường và nhiều hộ dân tại xóm 13 vẫn còn ám ảnh bởi trận mưa lớn kinh hoàng năm 2018. Khi ấy nước dâng cao, từ xe máy đến đồ điện tử đều bị hỏng do ngâm nước lâu quá.

Bà Lường nhớ lại: "Lúc đó nước lên nhanh quá, không kịp đi thuyền ra ngoài phải leo ngược đồi phía sau nhà để thoát nạn. Phần sợ nước cuốn, phần sợ bãi thải tràn xuống vùi lấp mất xác. Gà, lợn thì tự chạy, con nào không chạy được thì chết. Từ đó, cứ mưa lớn là cả nhà phải chạy sang nhà ông chú phía ngoài ở nhờ".

Theo ông Phạm Ngọc Thanh (xóm 13) - người thường xuyên phải đem đồ tiếp tế cho các hộ dân mỗi khi bị cô lập - nguyên nhân là do bãi thải chắn ngang khiến dòng suối phải chảy ngược về thượng lưu. Chênh lệch độ cao nên nước bị ứ đọng. Những lúc mưa lớn, mực nước dâng cao tới hơn 3m.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Nhất - Chủ tịch UBND xã Phúc Hà khẳng định, trước kia, gần như không có tình trạng ngập úng cục bộ tại xóm 13, nhưng từ khi bãi thải mở rộng, đổ xuống suối thì xảy ra hiện tượng ngập úng cục bộ.

Sau cuộc tiếp dân năm 2018, người dân xóm 13 loé lên hi vọng về việc sẽ được di dời đến nơi ở an toàn hoặc ít nhất thì môi trường sống được cải thiện, nhưng từ đó đến nay, mọi việc gần như rơi vào quên lãng. 

Cũng theo ông Nhất, để phục vụ công tác phòng chống thiên tai, địa phương đã đóng thuyền để người dân thoát nạn mỗi khi mưa lớn cô lập khu dân cư. Phía Công ty than Khánh Hoà cấp cho người dân một số thùng phuy để làm bè vận chuyển đồ ra khỏi nhà lúc nước dâng cao.

Đối với vẫn đề ô nhiễm nguồn nước, ông Nhất thông tin: “Trước kiến nghị của người dân, xã đã có lần yêu cầu công ty than Khánh Hoà phải thuê đơn vị về kiểm nghiệm nước. Theo kết quả Công ty thông báo thì các thông số đều trong ngưỡng cho phép”.

Ngày 10.5, thông tin tới PV, ông Nguyễn Thế Giang - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên cho biết, hoạt động đổ thải của Công ty than Khánh Hoà do Sở Công Thương quản lý theo quy định của pháp luật. Được biết đợt này, Sở Công Thương có kế hoạch kiểm tra an toàn các bãi thải, có thể sẽ làm rõ tình trạng ngập úng.

Đối với phản ánh bụi, tiếng ồn và ô nhiễm nguồn nước do bãi thải Khánh Hoà gây ra, ông Giang khẳng định: "Sở TNMT sẽ cho các phòng ban chuyên môn kiểm tra, xác minh ngay".

Lời thỉnh cầu có được lắng nghe?

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND xã Phúc Hà khoá XXIV (tháng 8.2021) xã Phúc Hà nhận được 7 đơn thu và nhiều kiến nghị của người dân xóm 13 Nam Tiền về tình trạng ô nhiễm môi trường nước, bụi, tiếng ồn, ngập úng và nguy cơ cơ sạt lở vùi lấp khu dân cư do bãi thải của Công ty Than Khánh Hoà gây ra. 

Ngày 17.11.2021, UBND xã Phúc Hà có văn bản số 134 gửi UBND TP. Thái Nguyên báo cáo tình hình, đề xuất sớm có chủ trương quy hoạch di dời các hộ dân tại xóm 13 Nam Tiền ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng.

Đồng thời đề nghị UBND TP. Thái Nguyên yêu cầu Công ty than Khánh Hoà thực hiện việc nắn suối Nam Tiền để không gây ngập úng (trước đó, Công ty Than Khánh Hoà có phương án nắn suối nhưng chưa thực hiện).

Theo người dân địa phương, nhiều năm nay, tình trạng gần như không có chuyển biến. Lời thỉnh cầu được di dời đến nơi ở an toàn của cả trăm con người chưa biết khi nào sẽ được lắng nghe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn