MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ dùng mạng xã hội cần được chỉ bảo (ảnh minh họa).

“Thảm họa Facebook”, không có lửa làm sao có khói?

Thế Lâm LDO | 12/11/2019 18:26
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã yêu cầu Ban giám hiệu Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TPHCM) kiểm điểm vì vụ kỉ luật cậu học sinh lớp 8 tên N.H.M.Q. Trong vụ việc này, một vấn đề nhưng có hai mặt. Một mặt là cách kỉ luật học sinh của nhà trường là không ổn. Nhưng mặt khác, nếu xét về lôgic nhân - quả, thì cậu học sinh Q. cũng có lỗi.

Học sinh Q. chắc chắn đã có lỗi khi đã công kích, xúc phạm nhóm nhạc BTS Hàn Quốc với những lời lẽ khiến fans của nhóm nhạc này nổi giận và đã gây sức ép với nhà trường để kỉ luật học sinh Q.

Những gì Q. đã làm, có những cái sai. Đó là cái sai phát sinh trên môi trường mạng Internet, cái sai trong cách chơi, cách dùng mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng hiện nay.

Gần đây, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội không xác định được danh tính nên thiếu trách nhiệm trong việc đưa thông tin lên mạng xã hội.

Tuy nhiên trên thực tế, không ít người dùng đích danh tung ra không ít thông tin thiếu căn cứ, công kích hay xúc phạm người khác, thậm chí tung tin giả.

Trường hợp học sinh Q, ở độ tuổi lớp 8, có lẽ nhận thức chưa tới, thiếu chín chắn, vì thế ranh giới giữa cái đúng và cái sai, điều nên làm và không nên làm trong khi dùng Facebook càng mong manh.

Bộ trưởng Hùng cho rằng, hiện nay có hàng triệu tin tức trên không gian mạng và ai cũng có thể đưa thông tin trên không gian mạng. Mỗi một cá nhân, nếu có kĩ năng phân biệt tốt xấu, đúng sai thì sẽ tránh được cái xấu trên mạng xã hội. Vị bộ trưởng cho rằng ngành giáo dục nên đưa giáo dục kĩ năng số vào nhà trường từ cấp học phổ thông.

Trong một cuộc tọa đàm về tin giả, vu khống trên mạng xã hội gần đây, thạc sĩ Phan Văn Tú (Trưởng bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí - Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là giáo dục nhằm nâng cao nhận thức người dùng mạng xã hội và nâng cao năng lực truyền thông sẽ giúp người dùng mạng xã hội nhận diện được cái xấu và có khả năng phản biện trước các tin giả.

Nam sinh lớp 8 N.H.M.Q bị kỉ luật tại Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TPHCM)/(ảnh cắt từ clip).

Những vụ “thảm họa Facebook” gần đây cho thấy tình trạng bầy đàn lao theo, nghe theo những lời kêu gọi, lôi kéo không đúng đắn nhưng lại không phân biệt được đúng – sai, thật – giả…, dẫn đến hệ quả là có những hành vi, hành động sai trái gây ảnh hưởng tới các cá nhân và tổ chức.

Ứng xử trước những sự việc đó như thế nào trên mạng xã hội, còn thể hiện cho thấy nhận thức, trình độ và năng lực của mỗi cá nhân. Nếu cho rằng mạng xã hội dùng miễn phí, lập trang cá nhân của mình rồi cứ thế muốn làm, muốn nói gì tùy tiện thì rất dễ dẫn đến các hệ lụy, thậm chí hậu quả khó lường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn