MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng cứu hộ đã đưa toàn bộ 38 người ra khỏi 2 thang máy mắc kẹt ở Đông Anh trong sự việc xảy ra cuối năm 2020.

Thang máy nhà tái định cư: Chất lượng thấp - trách nhiệm thuộc về ai?

Tùng Linh LDO | 01/12/2021 07:00
Việc liên tiếp xảy ra sự cố thang máy tại công trình cao tầng đã làm không ít người lo ngại về sự an toàn đối với thang máy. Để hạn chế các tình huống tương tự, nhiều người quan tâm đến câu hỏi ai, tổ chức nào chịu trách nhiệm khi xảy ra các sự cố.

Không thể để người dân sống trong sợ hãi

Cùng đại diện tổ dân phố 29, 28 khảo sát 8 chiếc thang của các nhà G và khu A tái định cư Đền Lừ (Hà Nội), PV nhận thấy tất cả những chiếc thang máy đều không có tem kiểm định. Trong đơn kêu cứu của mình, người dân Tổ 29 phản ánh, tháng 4.2021 vừa qua, có một đơn vị tới kiểm tra, kiểm định 2 chiếc thang máy đang hoạt động, cho tới nay 7 tháng đã trôi qua nhưng không thấy đơn vị kiểm định cho xem biên bản hay dán tem kiểm định. Theo bà Đỗ Thị Minh, tổ trưởng tổ dân phố số 29, chẳng biết thành phố hỗ trợ tiền bảo trì, bảo dưỡng cho thang máy các nhà tái đinh cư thế nào nhưng mỗi lần bảo trì, người dân nhà G đều phải đóng tiền. 

Do các hộ dân sống tại đây phần lớn có thu nhập thấp nên Ban quản lý không thu được kinh phí duy tu bảo dưỡng thang máy hàng tháng và phải chờ nguồn hỗ trợ từ thành phố", ông Chu Văn Huấn, cư dân nhà G cho biết. Kiểm tra nhiều thang máy trong tổng số 26 chiếc thang máy của các tòa nhà tái định cư cho thấy hầu như không có thang máy nào được dán tem kiểm định. Ông Huấn, bà Minh và những người dân của nhà G dù biết những chiếc thang máy luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm, họ cũng không biết là thang có đủ tiêu chuẩn vận hành hay không vì cho tới nay chưa có chiếc thang máy nào của nhà G và một số khu nhà khác được tem kiểm định.

Trong khi đó, thời gian qua, những vụ tai nạn thang máy thương tâm liên tiếp xảy ra như một báo động đỏ về tình trạng mất an toàn thang máy ở các tòa nhà cao tầng đặc biệt tại các khu nhà tái định cư. Điển hình, ngày 29.11.2020, hai sự cố thang máy liên tiếp tại khu nhà tái định cư B10A Nam Trung Yên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) đã khiến 3 người bị thương. Mới đây, ngày 22.10.2021, tại một đơn nguyên chung cư lớn thuộc khu Linh Đảm, chiếc thang máy bị kẹt ở tầng 5, 5 người trong thang phải chờ rất lâu mới được cứu hộ. Trước đó cũng tại khu vực các tòa nhà HH Linh Đàm, một sự cố thang máy bị kẹt khiến 8 cư dân của toà nhà mắc kẹt trong thang máy…

Đối với các khu nhà cao tầng, thang máy là phương tiện di chuyển thiết yếu của người dân, nhất là người già, trẻ em, nhưng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng hiện nay của thang máy nhà tái định cư, trong đó rất nhiều thang máy xuống cấp không được sửa chữa, không đủ điều kiện vận hành khiến người dân đang hàng ngày phải đối mặt với nguy hiểm. 

Việc liên tiếp xảy ra sự cố thang máy tại công trình cao tầng đã làm không ít người lo ngại về sự an toàn đối với thang máy. Để hạn chế các tình huống tương tự, nhiều người quan tâm đến câu hỏi ai, tổ chức nào chịu trách nhiệm khi xảy ra các sự cố.

Ai chịu trách nhiệm?

Với các sự cố thang máy tại các công trình chung cư cao tầng, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với các công trình nhà chung cư nói chung, nếu chưa thành lập ban quản trị thì chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu đã thành lập ban quản trị và bàn giao công tác quản lý thì ban quản trị và đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà (ban quản trị ký hợp đồng) sẽ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố.

Theo ông Lực, việc vận hành, quản lý nhà chung cư phải do đơn vị đủ điều kiện về chức năng, năng lực thực hiện quản lý, vận hành. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, bên cạnh thực hiện bảo trì theo kế hoạch để bảo đảm thiết bị vận hành ổn định, người dân cũng cần tuân thủ các quy định, cảnh báo khi sử dụng thang máy; không để hàng cồng kềnh hay di chuyển quá lượng người so với tải trọng của thang máy.

"Những quy định về công tác bảo trì công trình được quy định ngày càng chặt chẽ trong Luật Xây dựng. Quy định các công trình, hạng mục công trình xây dựng khi đưa vào khai thác, sử dụng đều phải được bảo trì theo kế hoạch và quy trình được phê duyệt" - ông Lực nói.

Trong thực tế, sự xuống cấp sớm, hoặc cá biệt xảy ra các sự cố mất an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng của các công trình xây dựng chủ yếu là do không thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt công tác bảo trì.

Bởi vậy, ông Lực cho rằng với mỗi công trình được xây dựng, công tác bảo trì công trình, thiết bị là một trong những khâu đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng, tăng cường độ bền, bảo đảm an toàn cho người sử dụng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn