MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu rừng trồng người dân chăm sóc hơn 12 năm đã được cấp phép cho DN khai thác đá. Ảnh: X.H

Thanh Hoá: Cần xem lại việc thu hồi rừng của dân giao cho doanh nghiệp

Xuân Hùng LDO | 14/01/2021 21:33
Ông Nguyễn Văn Đình – thương binh nặng và một số hộ dân tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung, Thanh Hoá nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến Báo Lao Động vì bỗng dưng ông và nhiều người lao động khác bị thu hồi đất rừng giao cho doanh nghiệp khai thác đá mà không hề hay biết.

Thu hồi đất rừng mà người trồng rừng không hay biết

Năm 2007, 2008, ông Tống Văn Hà và ông Nguyễn Văn Hài (cùng trú thôn 2, xã Hà Tân, huyện Hà Trung, Thanh Hoá) ký hợp đồng trồng rừng với Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng huyện Hà Trung (chủ dự án 661), diện tích đất rừng là 4,5 ha (hộ ông Hài 3,0ha, hộ ông Hà 1,5ha). Trong các hợp đồng, biên bản giao đất không ghi rõ thời hạn, chỉ nêu ít nhất là 20 năm. Mỗi năm 2 hộ trên phải nộp 500.000 đồng/ha tiền sử dụng đất rừng. Theo UBND xã Hà Tân, đến nay, các hộ đều nộp tiền đúng quy định.

Các hộ dân đang trồng rừng rất buồn và bức xúc trước việc bị thu hồi đất rừng đã chăm sóc hơn 10 năm qua. Ảnh: X.H

Năm 2017, ông Nguyễn Văn Đình – thương binh nặng và con là Nguyễn Văn Ba ký thoả thuận hợp tác góp vốn đầu tư bảo vệ chăm sóc rừng với hộ ông Hài, ông Hà trên diện tích rừng trên với số vốn góp mua cây giống, phát triển rừng là 250 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, khi chưa khai thác được nguồn lợi từ rừng thì bỗng nhiên, tháng 3.2020, các hộ dân nhận được Thông báo số 35/TB/UBND của UBND huyện Hà Trung về việc thu hồi 3,6ha đất các hộ đang trồng rừng nói trên để thực hiện giải phóng mặt bằng dự án mở rộng mỏ đá spirit của Cty TNHH Mạnh Trang.

Trước đó, ngày 8.4.2019, UBND tỉnh Thanh Hoá ra quyết định số 1247/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác mỏ của Cty TNHH Mạnh Trang, đến 29.5.2019 UBND tỉnh Thanh Hoá cấp giấy phép khai thác số 80/GP-UBND cho Cty này, trong đó có 3,6ha đất rừng các hộ đang chăm sóc, sử dụng hợp pháp.

Ông Nguyễn Văn Ba bức xúc: “Trồng rừng không phải ngày một ngày hai mà có thể khai thác, từ đất trống đồi trọc, các hộ gia đình đã bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc mới trồng, phủ xanh, có thể nói là trồng rừng trên đá, vậy mà bỗng dưng tỉnh lại cấp phép cho DN khai thác đá mà không hề có bất kỳ thông báo nào về thu hồi, thanh lý, chấm dứt hợp đồng và bồi thường cho chúng tôi”.

Trao đổi với Lao Động, ông Trương Văn Huấn – Chủ tịch UBND xã Hà Tân cho hay, đúng là các hộ đã trồng rừng trên đồi trọc, rất khó khăn. Cũng theo ông Huấn, mặc dù Cty TNHH Mạnh Trang đã được cấp phép hơn 1 năm qua nhưng cũng chưa triển khai được gì vì thủ tục chuyển đổi, thu hồi đất chưa được thực hiện. “Đến nay, trong sổ quản lý đất đai của xã, diện tích trên vẫn thuộc quyền quản lý của các hộ dân nói trên” – ông Huấn nói.

Cần quan tâm đến quyền lợi người dân

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Ba – đại diện cho các hộ dân cho hay: “Chúng tôi tuân thủ theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai. Tuy nhiên, các cơ quan, ban ngành cũng cần quan tâm đến đời sống, công sức của người dân. Không thể thu hồi đất rừng người dân khó khăn vất vả bao năm giao cho DN khai thác như vậy được”. Ông Ba, ông Hài, ông Hà sẵn sàng giao đất và rừng trồng theo quy định nhưng đề xuất phải được đền bù tài sản, suất đầu tư một cách thoả đáng.

Theo ông Trương Văn Huấn – Chủ tịch UBND xã Hà Tân, dù đến nay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa thực hiện được vì đang còn bất đồng, tranh luận về phương thức thu hồi đất và giá đền bù nhưng DN được cấp phép cũng cần có trách nhiệm trong việc đền bù cho người dân.

Ông Ba cho hay, cho đến nay, Cty Mạnh Trang chưa có bất kỳ động thái nào liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đáng nói, giấy phép khai thác khoáng sản số 80/GP-UBND ngày 29.5.2019 được cấp trên cơ sở Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư số 1247 ngày 4.7.2019 của UBND tỉnh Thanh Hoá. Tại Điều 3, quyết định này nêu rõ: “Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định này có hiệu lực, nếu Cty TNHH Mạnh Trang không hoàn thành đầy đủ thủ tục về đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, sử dụng đất và ký quỹ đầu tư theo quy định thì quyết định này không còn giá trị pháp lý”. Như vậy, đến nay đã hơn 1 năm, Cty Mạnh Trang chưa hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng đồng nghĩa với việc quyết định trên hết hiệu lực. Do đó, cũng cần xem xét lại hiệu lực pháp lý của giấy phép số 80.

Ông Nguyễn Văn Đình là một trong những người đầu tiên ở địa phương thành lập DN khai thác khoáng sản. Hiện nay, DN của gia đình ông đang giải quyết việc làm cho gần 100 lao động, đủ năng lực khai thác khoáng sản quy mô lớn nếu được cấp phép.

Vì vậy, khi giải quyết các vấn đề liên quan đến thực hiện khai thác khoáng sản tại khu đất rừng nói trên, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng cần xem xét đến quyền lợi người dân địa phương, tránh xảy ra mâu thuẫn, xung đột làm mất ổn định địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn