MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thanh Hóa: Công trình trăm tỉ, dự án nghìn tỉ bỏ hoang-ai chịu trách nhiệm?

QUÁCH DU LDO | 22/05/2022 14:28

Thanh Hóa - Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tồn tại tình trạng nhiều công trình, dự án trăm tỉ, nghìn tỉ bỏ hoang sau nhiều năm triển khai. Thậm chí có những công trình đã được đầu tư xây dựng khang trang, với số tiền cả trăm tỉ đồng nhưng không được sử dụng như mục đích ban đầu.

Trung tâm hội nghị xây xong rồi cho mượn

Trung tâm hội nghị Hàm Rồng (ở phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư hơn 110 tỉ đồng, được xây dựng từ tháng 12.2012 và đưa vào sử dụng tháng 11.2014. Công trình nhằm phục vụ các sự kiện văn hóa trọng đại của TP.Thanh Hóa và tỉnh Thanh Hóa.

Trung tâm hội nghị Hàm Rồng (ở phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa) bỏ hoang, xuống cấp. 

Tuy nhiên, sau gần 10 năm được bàn giao và đưa vào sử dụng, công trình này không phát huy được hiệu quả. Cụ thể như, công trình được bàn giao đưa vào sử dụng vào cuối năm 2014, thì đến năm 2015, nơi này được UBND TP.Thanh Hóa “mượn” làm trụ sở tạm thời khi chưa xây được trụ sở làm việc mới.

UBND TP.Thanh Hóa sử dụng từ năm 2015 đến năm 2019, sau khi trụ sở làm việc mới của Thành ủy, UBND TP.Thanh Hóa hoàn thành, đơn vị này chuyển đi và Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng ngừng hoạt động. Đến năm 2020, TP.Thanh Hóa trưng dụng địa điểm này làm nơi cách ly tập trung COVID-19 của thành phố. Sau đó, địa điểm này bỏ không và đến nay sau nhiều năm không sử dụng, công trình này trở nên hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng.

Để tránh lãng phí, vừa qua, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất chuyển 5 đơn vị là ban, ngành thuộc các sở của tỉnh này về đây để tiếp quản, sử dụng. Dự kiến, công tác chuyển giao sẽ thực hiện xong trước quý II/2022.

Một công trình khác là Khu ký túc xá và trường mầm non thực hành của Trường đại học Hồng Đức cũ (ở phường Đông Sơn, TP. Thanh Hóa), với số lượng cả trăm phòng ở, phòng học, phòng chức năng cũng trong tình trạng bỏ hoang nhiều năm nay. Đến nay, công trình này đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Khu ký túc xá của Trường đại học Hồng Đức cũ (ở phường Đông Sơn, TP. Thanh Hóa) bỏ hoang.

Được biết, căn nguyên dẫn đến tình trạng trên là năm 2015, tỉnh Thanh Hóa có quyết định di chuyển Trường đại học Hồng Đức cũ (số 307 đường Lê Lai, phường Đông Sơn, TP.Thanh Hóa) về cơ sở mới (phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa). Cùng với đó là di chuyển Trường THPT Chuyên Lam Sơn cũ (phường Ba Đình, TP.Thanh Hóa) về địa điểm Trường đại học Hồng Đức đã chuyển đi.

Trường THPT Chuyên Lam Sơn sau khi tiếp quản cơ sở mới, do khác nhau về quy mô, loại hình trường lớp, nên chưa sử dụng hết cơ sở vật chất, phòng ốc tại đây, dẫn đến tình trạng bỏ không nhiều năm.

Nhiều dự án nghìn tỉ bỏ hoang

Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn (ở xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới hơn 1.400 tỉ đồng, với diện tích sử dụng hơn 36 ha, dự án này được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008.

 Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn (ở huyện Ngọc Lặc) "đắp chiếu" hơn 1 thập kỷ.

Sau khi được bàn giao đất, chủ đầu tư đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm nhà ở công nhân, tường rào bao quanh nhà máy, ép cọc bê tông móng và một số công trình phụ trợ khác. Tuy nhiên, đến cuối năm 2010, việc thi công dừng lại hoàn toàn. Qua hơn một thập kỷ từ khi dừng thi công, đến nay, công trình nghìn tỉ này trở thành bãi đất hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Trước thực trạng trên và để tránh lãng phí tài nguyên đất, người dân và chính quyền địa phương đã phải kiến nghị đến các cấp chính quyền. Sau đó, UBND huyện Ngọc Lặc đã có văn bản kiến nghị đến UBND tỉnh Thanh Hóa về việc bỏ quy hoạch nhà máy xi măng Thanh Sơn (ở xã Thúy Sơn), đề xuất điều chỉnh quy hoạch thành đất công nghiệp, thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

Dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long tiến hành tháo biển, dỡ cổng sau nhiều năm "án binh bất động". 

Một dự án khác là Dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long có quy mô 286 ha, trải dài trên địa giới hành chính từ TP.Thanh Hóa sang huyện Hoằng Hóa, dự án có tổng mức đầu tư lên tới hơn 2.300 tỉ đồng và được khởi công năm 2015.

Sau khoảng 7 năm gần như “án binh bất động”, dự án này mới chỉ xây được cái cổng và vài trăm mét tường rào. Mới vừa qua, khu vực cổng và tường rào của dự án này cũng được tháo dỡ đi và trả lại bãi đất trống không.

Đầu tư lãng phí, phải có người chịu trách nhiệm

Trước thực trạng nhiều công trình, dự án (ở Thanh Hóa) không phát huy đúng công năng hoặc “đắp chiếu” nhiều năm, đã gây nên tình trạng lãng phí quỹ đất và tiền ngân sách Nhà nước. Thậm chí, có cả những công trình được xây dựng khang trang, với số tiền lên tới cả trăm tỉ đồng.

Điều này khiến nhiều người hoài nghi rằng, liệu ngay từ ban đầu, cả chủ đầu tư và các ngành chức năng đã đánh giá, soi xét một cách “sát sườn” những tiềm lực, tiềm năng và hiệu quả khi phát triển dự án, xây dựng công trình chưa? Hay chỉ vẽ - xây lên rồi “khó đâu gỡ đấy”. Rồi khi không làm được thì đành bỏ hoang, hoặc xây xong không dùng vào việc này thì dùng việc khác - Như dự án điển hình đã nêu trên.

Trước đó, ngày 24.3, tại cuộc họp cho ý kiến bước đầu về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (giai đoạn 2016-2021) của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói đến tình trạng thất thoát, lãng phí trong quản lý đất đai, đầu tư công, và đề nghị cần phải xác định rõ trách nhiệm đối với những công trình loại này.

Nói về lãng phí trong đầu tư công, TS. Bùi Đức Thụ - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, từng nêu quan điểm, “Đầu tư lãng phí, phải có người chịu trách nhiệm chứ không thể dùng chế độ tập thể, rồi cuối cùng đều phủi tay”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn