MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thanh niên sống ở nước ngoài từ năm 15 tuổi: Du xuân để gia đình thu hẹp khoảng cách thế hệ

LƯƠNG HẠNH LDO | 01/02/2023 14:03

Việc du xuân đầu năm không chỉ là dịp nghỉ ngơi mà còn là lúc các gia đình tháo gỡ các khúc mắc, hiểu nhau hơn.

15 tuổi, anh Phạm Minh Tùng (SN 1988, Hà Nội) đã học tập và sinh sống tại nước ngoài. Sau khi học xong đại học, anh trở về Việt Nam làm việc, anh Tùng kết hôn và có cuộc sống riêng. Thời gian ở bên bố mẹ không nhiều nên những chuyến đi du lịch đặc biệt là du xuân đầu năm là lúc để các thành viên gia đình anh gắn kết hơn.

Theo anh Tùng, trước khi có em bé, vợ chồng anh thường có các chuyến đi du lịch ở nước ngoài. Tết năm nay, sau khi dành thời gian nghỉ Tết cho gia đình riêng và thăm hỏi ông bà nội, ngoại, anh Tùng lên kế hoạch cho chuyến đi du lịch cắm trại sắp tới.

Anh Tùng cùng vợ trong những chuyến du lịch nước ngoài. Ảnh: Minh Tùng.

“Với mỗi gia đình, lựa chọn xu hướng du lịch lại khác nhau. Xu hướng du lịch của gia đình tôi là thư giãn ở những địa điểm yên bình. Thiên nhiên Việt Nam rất đẹp, nhiều chỗ kết hợp giữa giải trí và nghỉ ngơi”, anh Tùng cho hay.

Trước kia, gia đình anh Tùng chọn du lịch nghỉ dưỡng. Sau khi biết đến camping – du lịch cắm trại, con trai có cơ hội được gần gũi với thiên nhiên, biết đến các kĩ năng sinh tồn nhiều hơn, gia đình anh chuyển sang du lịch kiểu này.

“Du lịch cắm trại rất dễ gây “nghiện”. Ngoài việc cho con trẻ được gần gũi với thiên nhiên thì các con còn biết tự học tập học theo các hoạt động của người lớn. Ngoài ra, khi phân công mỗi người tham gia một khâu trong quá trình cắm trại thì vợ chồng, con cái cũng có cơ hội để hiểu nhau hơn”, anh Tùng cho hay.

Anh Tùng đưa vợ con đi các chuyến đi du lịch cắm trại. Ảnh: Minh Tùng.

Tiết trời năm nay khá lạnh, vì vậy mà anh Tùng chưa thể đưa vợ và con trai 15 tháng tuổi đi du xuân đầu năm. Anh cũng dự định sẽ sớm thực hiện chuyến đi ở các vùng núi phía Bắc trong thời gian tới.

Từng đưa bố mẹ cùng các con đi cắm trại ở Ba Vì (Hà Nội), chị Đàm Khánh Linh cho hay: "Hiếm thấy khi nào tôi thấy ông bà cười nói, vui vẻ nhiều đến vậy. Hai trẻ nhà tôi cũng nô đùa. Cả gia đình ngập tràn tiếng cười sau 1 năm miệt mài làm việc".

Bố mẹ chị Linh đều là công chức về hưu, cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Công việc và cuộc sống hàng ngày khiến chị Linh lơ đãng việc hỏi thăm, quan tâm bố mẹ.

"Tết và những ngày đầu năm là thời gian duy nhất tôi ở với bố mẹ được lâu. Bố mẹ hai bên ở quê còn vợ chồng đều sinh sống tại Hà Nội. Mọi năm cả gia đình đều đi thăm họ hàng, anh chị em, nhưng năm nay, tôi muốn bố mẹ có không gian riêng để nói chuyện, tâm sự cùng con cháu ở một vùng đất mới", chị Linh tâm sự.

Theo chị Linh, chi phí cho một chuyến cắm trại cho đại gia đình chị tốn khoảng 4-5 triệu đồng. Gia đình chị không có các đồ cắm trại chuyên dụng nên mọi thứ đều sử dụng đồ cho thuê.

Quanh năm suốt tháng con cháu đi làm, đi học biền biệt, thậm chí sống cùng nhà chưa chắc ông bà đã được ăn cơm chung mâm. Người ta thường nói trẻ con vui nhất khi đón Tết, nhưng người già luôn trông mong thời khắc con cháu sum vầy. Vậy nên, du xuân ở đâu cũng nên đưa ông bà đi cùng, dung hòa giữa hai thế hệ già - trẻ. 

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn