MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiềm ẩn nguy cơ đá lăn, sạt lở trên tuyến đường Tân Trào đi đến Cấm (Tràng Đà, TP. Tuyên Quang).

Thấp thỏm lo sạt lở, đá lăn trên con đường trăm tỉ ì ạch tiến độ

Đức Sơn LDO | 30/06/2022 13:00

Tuyên Quang - Tuyến đường Tân Trào đi đền Cấm (TP. Tuyên Quang) trị giá hơn 147 tỉ đồng vốn vay Ngân hàng thế giới sau gần 2 năm vẫn ì ạch tiến độ. Trong khi đó, người dân mỗi khi đi trên con đường này còn phải thấp thỏm nỗi lo về sạt lở, đá lăn.

Đường mới nhưng vẫn lo

Hơn 11,5 km đường từ Tân Trào đi đền Cấm TP. Tuyên Quang được nâng cấp theo Chương trình Đô thị miền núi phía Bắc đã đáp ứng niềm mong mỏi sau của hàng trăm hộ dân. Tuyến đường đã gần hoàn thành nhưng nỗi lo mới lại xuất hiện.

Tại những vị trí phá núi mở đường đã để lại vách đá cao bị đục đẽo nham nhở. Những mỏm đá nứt toác, mất độ bám nhô ra khỏi bờ vách và chỉ đợi rơi xuống đã khiến người dân mỗi khi đi qua không khỏi thấp thỏm, lo lắng.

Sau đợt mưa lớn trong tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua trên tuyến đường này xuất hiện cả chục điểm sạt lở. Hiện tại đang mới đang khắc phục, sửa chữa.

Chị Hoàng Thu Trang - người dân xóm Dùm - đi lại mỗi ngày trên con đường này cho biết: “Nhìn những tảng đá to bằng cả người rơi xuống còn nằm lại bên đường kia, ai cũng sợ, nhất là hôm mưa to gió lớn. Họ làm ẩu quá, có đường đi dân cũng đỡ vất vả nhưng lại thêm nỗi lo đá lở“. 

Theo chị Trang, đoạn đường này không có điện nên khá nguy hiểm nếu đi lại vào lúc đêm tối. Đá lăn ra giữa đường mà chưa kịp thu dọn thì rất dễ đâm trúng nếu không chú ý.

Còn ông Hồng (tổ 2, phường Nông Tiến) thường xuyên đi hái lá thuốc qua đây lo lắng: “Nhìn thôi đã thấy nguy cơ lở đá cận kề rồi, những chỗ này đáng lẽ phải có cảnh báo và kịp thời sửa chữa ngay. Để thế này đá dễ lăn trúng người lắm“. 

Dấu tích còn lại sau mỗi lần sạt lở với những tảng đá nặng cả tấn, phá hỏng rãnh thoát nước, mặt đường.

Trao đổi với PV, ông Vũ Lâm Hoài - Chỉ huy thi công (Công ty Hoàng Dân) cho biết, những vách núi phải cao trên 12m mới được giật cấp, địa chất thì không ổn định nên cứ mưa là sạt. Việc khắc phục sạt lở gặp khó vì vướng đất của dân trong khi thoả thuận, đền bù của Ban QLDA với người dân rất chậm.

Với những vị trí tiềm ẩn nhiều nguy cơ đá lở, ông Hoài khẳng định: “Việc thi công theo đúng thiết kế, sau khi phá núi thì giữ nguyên các vách đá. Đúng là nguy hiểm và cũng đã có vài lần đá lăn rồi, may là chưa trúng ai".

Chậm tiến độ không phải do thiếu vốn

Trước đó như Lao Động đã thông tin về việc Bộ Xây dựng đặt thời hạn đến 30.6.2022 các tiểu dự án trong Chương trình đô thị miền núi phía Bắc sẽ phải kết thúc. Đến nay 2 dự án tại TP. Tuyên Quang vẫn chưa thể hoàn thành.

Ghi nhận ngày 29.6, Dự án nâng cấp 1,8 km đường Nguyễn Chí Thanh, tổng mức đầu tư hơn 10 tỉ đồng vẫn rất ngổn ngang. Hiện mới chỉ có khoảng 1km đã trải nhựa mặt đường, còn lại đang ì ạch thi công. 

Đường Nguyễn Chí Thanh chắc chắn đã lỡ hẹn so với hạn định 30.6 khi nhiều hạng mục vẫn chưa thi công.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường từ Tân Trào đi đền Cấm, xã Tràng Đà vẫn còn hơn 2km đang phá núi mở đường. Dự kiến cuối tháng 7 mới cơ bản xong.

Theo đơn vị thi công, việc giải phóng mặt bằng của Ban QLDA rất ì ạch. Khởi công từ tháng 11.2020 theo hợp đồng 9 tháng sẽ hoàn thành, nhưng đến nay đã gần 2 năm, dự án vẫn chưa bàn giao được.

Vốn cho dự án thì luôn có, thậm chí nhà thầu sẵn sàng cho vay tiền nhưng vướng mắc về mặt bằng đã không được Ban QLDA giải quyết kịp thời. Trong khi con người, phương tiện của nhà thầu phải nằm đợi nhiều tháng.

Được biết, khi Chương trình đô thị miền núi phía Bắc kết thúc thì Ban QLDA của TP. Tuyên Quang cũng sẽ dừng hoạt động. Nhưng rõ ràng trách nhiệm với từng công trình, từng đồng vốn vay tài trợ thì vẫn chưa thể hết.

Một số hình ảnh được PV ghi nhận:

Những mỏm đá nứt toác sau quá trình khoan nổ còn lại trên vách núi.
Nhiều vị trí đã không còn độ bám.
Một số tảng đá lăn xuống đường còn mới nguyên.
Người dân vẫn luôn thấp thỏm, lo lắng khi đi qua những điểm có nguy cơ sạt lở đá.
Một số tảng đá đã lăn xuống đất và đường đi của nhà người dân.
Đất đá tràn lấp cả miệng cống thoát nước, việc thi công được cho là rất ẩu.
Hàng trăm hộ dân vẫn phải đi lại dưới những vách đá đầy nguy hiểm mỗi ngày. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn