MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quầy hàng không có người bán ở Nhật Bản.

Thay đổi thói quen mua bán để phòng chống dịch bệnh

QUANG ĐẠI LDO | 17/08/2021 11:11

Thay đổi thói quen, phương thức mua bán, phát triển hệ thống bán hàng tự động là những giải pháp cấp bách, cần thiết để hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Với hàng chục ca mắc COVID-19 là những người tham gia buôn bán tại chợ đầu mối Vinh (tỉnh Nghệ An), chính quyền đang căng mình chống dịch, toàn thành phố phải giãn cách theo Chỉ thị 16 từ ngày 17.8. Đây là lần thứ hai, Thành phố Vinh vất vả ứng phó với các ca bệnh liên quan chợ đầu mối lớn nhất tỉnh.

Chợ đầu mối rất dễ trở thành ổ dịch có nguy cơ cao vì đây là nơi tập trung đông người, chen chúc, mua bán lộn xộn. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng gian lận thương mại, mặc cả, đôi co... dẫn đến giọt bắn chứa virus phát tán. Môi trường chợ truyền thống thường ẩm thấp, vệ sinh kém nên dịch bệnh càng dễ lây lan.

Do đó, cần có những giải pháp căn cơ để hạn chế lây lan dịch bệnh do tiếp xúc trong quá trình mua bán tại chợ truyền thống. Nguyên tắc chung là hạn chế tiếp xúc, giao tiếp, hạn chế trao đổi, mặc cả.

Đi chợ có thể cầm theo cái bảng, ghi mặt hàng, chủng loại, khối lượng, giơ lên cho người bán thấy, người bán thông báo số tiền bằng bảng, bên giao tiền, bên nhận hàng, không trao đổi gì thêm. Tuyệt đối không mặc cả, đôi co, buôn gian bán lận vì sẽ làm dịch bệnh lây lan.

Về lâu dài, cần thay đổi phương thức mua bán để phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tốt nhất nên mua online qua các kênh uy tín, trả tiền qua tài khoản. Nếu nhận hàng, giao tiền cho shipper (COD) thì chuẩn bị đúng số tiền cần trả, nhận hàng đưa luôn chứ không thối qua thối lại, không trao đổi.

Hiện nay, nhiều gian hàng tại các chợ truyền thống không niêm yết giá, dẫn đến tình trạng mặc cả. Cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt, xử lý nghiêm, triệt để tình trạng bán hàng không niêm yết giá, niêm yết không đúng thực tế, gian lận thương mại.

Đồng thời, nghiên cứu sản xuất hệ thống các ATM nhu yếu phẩm: Rau, gạo, thịt, sữa... và các máy bán hàng tự động khác để không có sự tiếp xúc trao đổi giữa bên bán với bên mua, tạo thuận lợi tối đa cho dân trong mùa dịch.

Tại Nhật Bản, có rất nhiều kiốt không có người bán: Người dân bày hàng bên đường, ghi giá cả. Người mua lấy hàng, tự bỏ tiền vào cái ống bên cạnh, cuối ngày người bán ra thu về. Đây là mô hình mua bán tiện lợi, văn minh và rất phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn