MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình sản xuất lúa thơm của Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, Sóc Trăng. Ảnh Nhật Hồ

Thay đổi tư duy sản xuất lúa, kỳ vọng đổi đời nông dân

NHẬT HỒ LDO | 07/10/2020 20:14

Tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu đã thay đổi định hướng về cách sản xuất lúa, không còn chú trọng vào sản lượng mà tập trung đầu tư cho chất lượng cao.

Lần đầu tiên hạt gạo Việt Nam có cơ hội xuất khẩu với giá cao vào thị trường EU. Hầu hết những loại gạo được công bố đều rơi vào các loại lúa thơm, gạo thơm đã định hình nhiều năm nay.

Không đưa chỉ tiêu sản lượng lúa vào Nghị quyết

Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV ban hành vào tháng 5.2020 đã xác định không đưa chỉ tiêu sản lượng lúa vào chỉ tiêu trong nhiệm kỳ tới. Thay vào đó là chỉ tiêu lúa đặc sản, lúa chất lượng cao.

Ông Lâm Văn Mẫn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng giải thích: “Chúng tôi xây dựng chỉ tiêu này trên cơ sở hiện nay Sóc Trăng đã có trên trên 50% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, lúa thơm. Đồng thời, Sóc Trăng đã có bộ giống lúa thơm ST từ lâu đã được người dân sản xuất, cho hiệu quả rất cao”.

Tỉnh sản xuất lúa mà không đưa vào chỉ tiêu sản lượng lúa vào Nghị quyết với cách giải thích của ông Lâm Văn Mẫn xem ra khá mới. Bởi, sản lượng lúa dù có nhiều đến đâu mà chất lượng và giá thấp thì người dân chưa được hưởng lợi.

Loại sản lượng lúa ra khỏi Nghị quyết tưởng chừng như giản đơn, nhưng nhiều năm qua Sóc Trăng đã kỳ công xây dựng vùng nguyên liệu lúa thơm cho riêng mình. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, tại Mỹ Xuyên, Sóc Trăng đã xuất hiện mô hình lúa - tôm. Cây lúa thơm dòng ST lần lượt ra đời trên vùng đất ven biển một năm 6 tháng ngọt, 6 tháng mặn.

Anh hùng Lao động, Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của các dòng lúa thơm ST nhận định: “Xu hướng thị trường hiện nay, ngay cả trong nước và nước ngoài đều thích gạo chất lượng cao, gạo ngon. Thực tế là các nước Châu Âu đã mở cửa thị trường xuất khẩu gạo thơm, gạo ngon của Việt Nam. Không riêng gì thị trường Châu Âu mà ngay cả những người có mức thu nhập khá khá một chút trong nước cũng ưa chuộng gạo thơm, gạo chất lượng cao thay vì gạo khác”.

Mô hình lúa tôm tại Bạc Liêu (ảnh Nhật Hồ)

Cơ hội để người trồng lúa làm giàu

Bạc Liêu, Sóc Trăng đều xây dựng mô hình trồng lúa chất lượng cao gắn với các hợp tác xã bằng các mô hình liên kết sản xuất.

Người dân, doanh nghiệp cùng nhà nước đã cùng bắt tay nhau sản xuất cách đồng lớn với các bộ giống lúa thơm chất lượng cao. Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu cho biết, tỉnh đang xây dựng mô hình lúa thơm chất lượng cao tại 68.000ha diện tích lúa - tôm của tỉnh. Riêng con tôm cũng sản xuất theo mô hình tôm sạch và hiện tại đã có nhiều nhà máy ký kết bao tiêu sản phẩm cả lúa lẫn tôm cho mô hình lúa - tôm của huyện Hồng Dân, Phước Long và một phần thị xã Giá Rai.

Ông Nguyễn Văn Ngân, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu chia sẻ: “Lúa chất lượng cao thật ra rất dễ sản xuất. Bởi, các kỹ sư đã hỗ trợ kỹ thuật, lúa giống và khi thu hoạch được HTX bao tiêu với giá cao hơn lúa thường. Tính ra trồng lúa chất lượng cao lợi nhuận cao hơn gần gấp đôi lúa thường”.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định: “Nếu trồng lúa sản lượng có cao đến đầu đi nữa mà không xuất khẩu được, hoặc giá thấp thì người trồng lúa không thể khá lên được”. Với tư tưởng này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tìm đến Sóc Trăng đặt hàng ông Hồ Quang Cua đem các dòng ST20, ST24, ST25 về Bạc Liêu trồng tại vùng lúa - tôm của tỉnh.

Bạc Liêu, Sóc Trăng đã thay đổi tư duy, cách làm đầu tiên là từ việc sản xuất nông nghiệp. Chuyển hướng nông nghiệp hi vọng sẽ đổi đời người nông dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn