MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Thay vì giảm số năm đóng bảo hiểm nên giảm tuổi nghỉ hưu"

Mạnh Cường LDO | 24/05/2023 09:22

Phần lớn người lao động đều cho rằng thay vì đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội nhận lương hưu thì nên giảm tuổi nghỉ hưu cho người lao động.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa (30 tuổi) - công nhân tại Nam Định cho biết - điều chị quan tâm nhất là liệu bản thân có chờ được đến tuổi nghỉ hưu hay không chứ không phải làm được bao lâu. Hiện tại, chị Hoa đã đi làm và đóng bảo hiểm được gần 2 năm.

Thay vì đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội nhận lương hưu thì nên giảm tuổi nghỉ hưu cho người lao động. Ảnh minh hoạ: Minh Phương.

"Năm nay tôi mới 30 tuổi, đi làm đóng bảo hiểm được 2 năm. Thiết nghĩ con số 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu không quá khó khăn, tôi vẫn có thể cố được. Tuy nhiên, để chờ đến năm 60 tuổi vẫn làm công nhân mới được hưởng lương hưu thì tôi không chắc" - chị Hoa cho hay.

Bên cạnh đó, chị Hoa nhấn mạnh: Nếu giảm số năm đóng bảo hiểm nhận lương hưu còn 10 hoặc 15 năm như theo đề xuất, có thể chị sẽ chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần. Bởi hiện tại, nữ công nhân đang còn khá trẻ, rút chế độ một lần, sau đó đi làm đóng bảo hiểm vẫn dễ dàng đạt được số năm đóng bảo hiểm từ 10-15 năm theo đề xuất.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (25 tuổi, Nam Định) mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu xuống còn 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ hoặc thấp hơn thay vì giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội nhận lương hưu. Đặc biệt, thời gian vừa qua, chị đã lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi đóng được 4 năm.

"Trong cuộc sống sẽ có rất nhiều lúc cần đến tiền. Tôi luôn ưu tiên các nguồn tiền có sẵn để chi trả cho công việc trước mắt chứ ít người nghĩ đến chuyện để đó hàng chục năm sau mới được nhận lương hưu" - chị Ánh nói.

Dù vậy, chị Ánh cũng đồng tình giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội nhận lương hưu với những lao động đã có tuổi. Theo chị, khi số năm đóng bảo hiểm nhận lương hưu giảm mà quyền lợi giữ nguyên sẽ thu hút được rất nhiều lao động trung tuổi.

"Nếu chỉ đi làm, đóng bảo hiểm xã hội 10-15 năm và được hưởng lương hưu, tôi sẽ bắt đầu đóng bảo hiểm lại từ năm 40 hoặc 45 tuổi" - chị Ánh nêu quan điểm.

Trong số những người lao động phỏng vấn, duy chỉ có anh Nguyễn Văn Trinh (47 tuổi, Nam Định) đồng ý với phương án giảm số năm đóng bảo hiểm. Lý do bởi anh đã có tuổi đồng thời mới đi làm, đóng bảo hiểm xã hội được hơn 2 năm.

Anh Trinh cho rằng, nên có sự công bằng giữa người lao động nam và nữ. Tại sao người lao động nam lại phải đóng 20 năm mới được nhận 45% lương hưu trong khi lao động nữ chỉ cần đóng 15 năm. Thiết nghĩ nên giảm xuống đều nhau 15 năm hoặc nam 15 năm, nữ 13 năm sẽ tốt hơn.

Theo anh Trinh, nếu chỉ phải đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được nhận lương hưu thì rất có lợi cho những người có tuổi mới đi làm như anh. Bởi khi chạm đến con số 60 tuổi, anh cũng đã hoàn thành 15 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Theo anh Trinh, số năm đóng bảo hiểm giảm chỉ phù hợp với những người trung tuổi mới đi làm và đóng bảo hiểm. Ảnh: Mạnh Cường.

"Gần 60 tuổi, chúng tôi không còn nhiều sức khoẻ để làm lao động trực tiếp. Nếu còn thiếu 2 hoặc 3 năm đóng bảo hiểm xã hội đủ số năm nhận lương hưu, tôi sẽ cố đóng thêm bảo hiểm tự nguyện, còn hơn 5 năm thì sẽ không đủ khả năng" - anh Trinh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn