MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic: Không thể nói do dịch COVID-19

NGUYỄN ĐĂNG LDO | 04/08/2021 19:35

Những lời giải thích của Trần Đức Phấn – Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 về nguyên nhân dẫn việc các vận động viên không giành được huy chương đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc.

Hôm nay 4.8, các thành viên cuối cùng của đoàn Thể thao Việt Nam dự Thế vận hội đã bay về nước, kết thúc hành trình tham dự sự kiện thể thao danh giá nhất thế giới. Tổng cộng 18 vận động viên đã thi đấu ở 11 môn, không giành được huy chương nào. Đây là lần đầu tiên kể từ Thế vận hội năm 2004, Việt Nam trắng tay ở Olympic.

Từ trước khi đoàn về nước, ông Trần Đức Phấn đã có những chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến thành tích không như ý của Thể thao Việt Nam. Ông nói: "Những kết quả thi đấu chưa thành công, dù không muốn nói là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song không thể phủ nhận suốt gần 2 năm qua, kế hoạch tập huấn, thi đấu của các đội bị đảo lộn, điều chỉnh liên tục cho phù hợp với thực tế dịch bệnh trong điều kiện mới.

Các vận động viên không được đi tập huấn, đặc biệt không được tham gia thi đấu quốc tế. Mặc dù thời gian không dài, nhưng đây là một trong những yếu tố mang tính quyết định làm giảm sút về chuyên môn".

Ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự Thế vận hội 2020. Ảnh: Đoàn thể thao Việt Nam.

Những đánh giá này đã nhận được nhiều phản hồi tự bạn đọc của Lao Động. Độc giả có nick name Hùng Đoàn viết: "Xin thưa, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến cả thế giới, không riêng gì Việt Nam".

Tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng đều có huy chương Olympic như Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia. Thậm chí như Philippines, họ càng đoạt thành tích tốt hơn hẳn so với Thế vận hội năm 2016.

Họ cũng đối mặt với những vấn đề khó khăn nhưng thể thao Việt Nam, đặc biệt trong việc đưa vận động viên đi thi đấu các giải quốc tế, tập huấn ở nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, các quốc gia này vẫn biết cách khắc phục những hạn chế để chinh phục huy chương.

Theo độc giả của Lao Động, từ thất bại của thể thao Việt Nam ở Olympic năm nay, lãnh đạo ngành thể thao nên nhìn thẳng vào những mặt còn hạn chế như phải xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn và đầu tư đúng mục tiêu; cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tập luyện thể thao; nâng cao chế độ cho vận động viên; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho thể thao… Một khi cải thiện được điều này, các vận động viên Việt Nam mới có nhiều cơ hội để tranh chấp huy chương, thay vì đổ lỗi cho cho dịch COVID-19.

Ngoài việc trắng tay, cũng phải nhìn nhận, một số vận động viên đã thi đấu tốt, mang đến nhiều tín hiệu lạc quan, để hướng đến những giải đấu trương tương lai như Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Thị Tâm (boxing), Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Nguyễn Huy Hoàng (bơi). Hoàng Thị Duyên dù đứng hạng 5 ở nội dung cử tạ mình thi đấu nhưng vẫn có rất nhiều triển vọng. Việc đầu tư, phát triển cho những vận động viên này là bài toán đặt ra cho ngành thể thao trong tương lai gần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn