MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc tăng học phí cao, dù tiến hành thí điểm ở một số trường, cũng làm những học sinh thuộc thành phần thu nhập trung bình và thấp, trở nên hết sức khó khăn. Ảnh: LĐ

Thí điểm tăng học phí trường công: Sẽ thiệt thòi cho "con nhà nghèo"?

QUANG ĐẠI LDO | 01/05/2022 10:55

Phát triển giáo dục cần được bảo đảm nguồn kinh phí, nhưng việc tăng học phí không hợp lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những học sinh là con em gia đình lao động nghèo, thu nhập thấp.

Báo chí thông tin, tại cuộc làm việc với lãnh đạo TPHCM ngày 25.4, ông Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết hiện Bộ đang nghiên cứu triển khai thí điểm chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao, lấy học phí này chi trả, giảm nguồn viên chức hưởng lương, TPHCM có thể thí điểm.

Thông tin nói trên gây xôn xao dư luận vì liên quan đến việc thí điểm tăng học phí trong trường công lập để chuyển sang mô hình “trường chất lượng cao” vốn còn gây nhiều tranh cãi.

Đương nhiên muốn đầu tư cơ sở vật chất, đãi ngộ xứng đáng cho giáo viên, đổi mới giáo dục thì phải đảm bảo đủ kinh phí, trong đó có nguồn từ tăng học phí. Nhưng tăng học phí là giải pháp đơn giản, dễ thực hiện, rất thuận lợi cho các nhà quản lý giáo dục và các nhà trường, nhưng lại gây ra khó khăn không nhỏ cho một bộ phận lớn người dân thu nhập thấp, người lao động nghèo.

Mặc dù là địa phương có nền kinh tế phát triển nhất cả nước, nhưng sau hơn 2 năm dịch bệnh, TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề, đời sống một bộ phận không nhỏ người dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối tượng người lao động trong lĩnh vực tư nhân, nông dân, lao động tự do...Việc tăng học phí cao, dù tiến hành thí điểm ở một số trường, cũng làm những học sinh thuộc thành phần thu nhập trung bình và thấp, trở nên hết sức khó khăn.

Trước đây, đã có địa phương đặt vấn đề chuyển từ mô hình trường công sang trường “chất lượng cao” đi kèm với mức học phí rất cao đã bị các đại biểu quốc hội, nhà quản lý phản đối. Bên cạnh đó, cho đến nay, Bộ GDĐT chưa ban hành được bộ tiêu chí dành cho trường chất lượng cao. Đây là khái niệm còn gây tranh cãi.

Mặt khác, trường công lập đã được Nhà nước cung cấp miễn phí đất đai, đầu tư cơ sở vật chất, trả lương cho đội ngũ giáo viên bao nhiêu năm qua. Nay nếu trường công chuyển thành trường “chất lượng cao”, thu học phí cao sẽ tạo ra rào cản đối với học sinh nghèo trong tiếp cận học tập.

Chỉ các gia đình có thu nhập khá trở lên mới đủ khả năng cho con học những trường công “chất lượng cao” này, con dân nghèo, lao động phổ thông và công chức bình thường sẽ không có cơ hội.

Thực tế mô hình trường chất lượng cao với mức thu học phí rất cao đã thực hiện nhiều năm qua ở các trường tư thục và được người dân chấp nhận. Nếu trường công lập cũng “thí điểm” làm theo thì ranh giới, sự phân biệt giữa trường công và trường tư thục không còn, thực chất là quá trình “tư thục hóa” trường công lập.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước đây cũng đề xuất tăng học phí, với quan điểm: Học phí thấp, khó đòi hỏi chất lượng giáo dục cao. Tuy nhiên, do dư luận phản ứng, đề xuất nói trên chưa  được thực hiện.

Nâng cao chất lượng giáo dục là mục tiêu xuyên suốt, nhưng trước hết phải dẹp bỏ các tiêu cực, tệ nạn, bệnh thành tích..., tích cực đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục. Đó là việc khó, cần quyết tâm và nỗ lực của Bộ trưởng. Còn tăng học phí là việc dễ, có thể thực hiện vào thời điểm thích hợp khi kinh tế phục hồi, mức sống của người dân đã được tăng lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn