MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của học sinh trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: PV

Thi khoa học kỹ thuật học sinh: Cần bãi bỏ chế độ ưu tiên

QUANG ĐẠI LDO | 07/04/2021 08:01

Nhiều giáo viên chia sẻ do áp lực từ cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh (HS), đã phải “chạy đôn chạy đáo” tìm ý tưởng, thiết kế, thi công để có sản phẩm dự thi.

Sau những thông tin lùm xùm về cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) HS, nhiều giáo viên đã chia sẻ, tiết lộ các vấn đề “hậu trường” của cuộc thi này.

Thầy Nguyễn Văn Thông (giáo viên THPT tại Hà Tĩnh) cho biết: Hàng năm, thực hiện công văn của Sở GDĐT về thi KHKT HS, Hiệu trưởng đã giao cho 2 tổ chuyên môn trong trường phải có 2 sản phẩm dự thi. Tổ trưởng triển khai họp, và giao cho một giáo viên phải có sản phẩm dự thi.

“Giáo viên về lớp, bàn với học trò, rồi chạy đôn chạy đáo tìm ý tưởng. Người thì lên mạng mày mò, cóp nhặt, người thì nhờ vả bạn bè, người thân, miễn sao có ý tưởng. Sau đó thầy trò hì hục triển khai” – thầy Thông nói.

Theo thầy Thông, thực chất ngay từ đầu, dự án dự thi đã vi phạm bản quyền, tính ứng dụng thực tiễn cũng không có, bởi vì sản phẩm được làm từ áp lực của thi đua, chỉ cần có để đi thi.

“Nhiều giáo viên tham gia cuộc thi vì lợi ích. Nếu HS đạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia thì cả thầy và trò đều được hưởng các quyền lợi liên quan, nhà trường có thành tích. Do đó, nhiều khi dự án cũng được đầu tư bài bản với chi phí lớn, để giành giải cao” – cô Vân Anh, giáo viên tại Thanh Hóa cho biết.

Theo thầy Lê Anh Chiến (Quảng Trị), nếu để ý, thì thấy sự trùng lặp đề tài diễn ra vô cùng phổ biến trong các cuộc thi KHKT. “Các đề tài, dự án như trà thảo dược trị mất ngủ, cánh tay rô bốt, thiết bị hỗ trợ người mù, thiết bị cảnh báo lũ ống, lũ quét, bàn ghế đa năng, điều chế thảo dược chữa ung thư, thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời... được “cày đi xới lại” liên tục qua các năm” – thầy Chiến cho biết.

Theo nhiều giáo viên, hiện nay họ đang rất áp lực vì các cuộc thi được triển khai thường xuyên trong nhà trường.

“Về nguyên tắc các cuộc thi đều tự nguyện, nhưng quá trình triển khai lại có tính chất bắt buộc và trở thành gánh nặng cho nhà trường, giáo viên và HS” – cô Hồng Anh (Hà Tĩnh) cho biết.

Từ đó, nhiều giáo viên kiến nghị để các cuộc thi đi vào thực chất, cần quán triệt nguyên tắc tự nguyện, không gắn liền với các tiêu chí thi đua, thành tích.

Đối với cuộc thi KHKT HS, cần xem xét bãi bỏ ưu tiên tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên vào đại học, vì đây là động lực chính để nhiều phụ huynh có điều kiện không tiếc tiền của đầu tư cho con kiếm suất vào đại học.

“Theo tôi, tốt nhất là bãi bỏ cuộc thi KHKT, hoặc trước mắt bãi bỏ chế độ tuyển thẳng vào đại học đối với HS đạt giải quốc gia. Việc ưu tiên HS đạt giải KHKT tương đương với HS giỏi văn hóa là không công bằng, vì không thể kiểm chứng được HS có phải là chủ nhân đích thực của dự án hay là “diễn viên đóng thế”, trong khi HS giỏi văn hóa phải thi nghiêm túc, khách quan. Nếu không bãi bỏ chế độ ưu tiên này, “cuộc đua” giành giải quốc gia vẫn tiếp diễn và để lại những hệ lụy khôn lường” – thầy Lê Văn Vỵ - nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cảnh báo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn