MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một gian trưng bày tại cuộc thi khoa học kỹ thuật. Ảnh LĐO

Thi khoa học kỹ thuật: Nhiều "thần đồng", sao khoa học vẫn chưa cất cánh?

Hoàng Văn Tùng - Giáo viên THPT tại Hà Tĩnh LDO | 02/04/2021 00:00

Theo nhiều chuyên gia, phần lớn trong số 12 đề tài giải nhất thi khoa học kỹ thuật học sinh năm nay đều đi tìm lời giải cho những bài toán rất hóc búa trong khoa học và cuộc sống, một số đề tài mang tầm luận án tiến sĩ hay dự án nghiên cứu chuyên sâu cấp bộ, cấp quốc gia.

Trước dư luận xôn xao về tính thực chất của cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) học sinh vừa diễn ra, TS Lê Văn Út - Trưởng Phòng Quản lý phát triển KH&CN, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng với những đề tài mang tầm vĩ mô nói trên, nếu chúng ta có những “thần đồng” có thể bắt đầu làm nghiên cứu khoa học một cách chuyên nghiệp từ bậc THPT thì đúng là sự may mắn của cả dân tộc.

Không chỉ năm nay, mà nhiều năm trước đây, từ cuộc thi KHKT học sinh và thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc, đã xuất hiện các đề tài, dự án mà nếu thực sự học sinh phổ thông là tác giả, thì đó chỉ có thể là “thần đồng”, “thiên tài khoa học”.

Chỉ riêng đề tài nghiên cứu về bệnh ung thư, đang vô cùng hóc búa với nền y học thế giới, thì tại Việt Nam, hàng chục năm qua, đã có hàng trăm đề tài do học sinh đứng tên tác giả gửi dự thi KHKT.

Cuộc thi năm nay, dự án “Cải tiến peptit polybia-mp1 để ứng dụng trong điều trị ung thư” của nhóm học sinh Mai Thuỳ A. (Trường THPT Chuyên Lam Sơn) và Đỗ Đức T. (Trường THPT Hàm Rồng) tỉnh Thanh Hóa đạt giải nhất.

Năm 2016, dự án “Nghiên cứu khả năng gắn và tiêu diệt một số tế bào ung thư của kháng thể kháng nhân” của hai học sinh thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã giành giải ba tại Hội thi KHKT quốc tế - Intel ISEF tại Mỹ.

Đề tài “Chế tạo và nghiên cứu tính chất quang nhiệt của các đầu dò nano nhằm ứng dụng trong diệt tế bào ung thư” của học sinh Lê Hoàng B. và Lê Dương M. (lớp 10 Anh 1, trường THPT chuyên Hưng Yên) đạt giải tư cuộc thi KHKT quốc gia học sinh năm 2017-2018.

Ở các lĩnh vực khác cũng vậy, rất nhiều học sinh đứng tên các dự án mang tầm tiến sĩ, thậm chí là đề tài, dự án quốc gia.

Một nghịch lý là tại sao Việt Nam có nhiều “thần đồng” khoa học như vậy, nhưng nền KHKT của đất nước, vẫn chưa khởi sắc? Tại sao các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo sư tiến sĩ khá đông đảo không có nhiều sáng chế, nghiên cứu có dấu ấn đột phá, mà đội ngũ học sinh phổ thông lại thể hiện những năng lực xuất chúng như vậy, dù các em chưa được học chuyên ngành, chưa được đào tạo về nghiên cứu khoa học?

Tất cả những vấn đề nói trên, cộng thêm thực tế các dự án của học sinh dự thi KHKT, dù thông qua tên đề tài thể hiện tầm vóc vĩ mô gây choáng váng nhưng không có khả năng ứng dụng, dư luận càng thêm hoang mang.

Bởi vì, học sinh không thể lý giải được vì sao bản thân không có kiến thức cơ bản, không được đào tạo chuyên ngành vẫn là chủ nhân của các đề tài “khủng” mang tầm chuyên gia hoàn toàn xa lạ với thực tế cuộc sống, học tập của các em?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn