MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phần mềm mô phỏng thi bằng lái bị đánh giá là không thực tế, đánh đố người thi. Ảnh: Anh Tú

Thi lái xe mô phỏng còn nhiều bất cập, người thi rớt ấm ức

MINH QUÂN LDO | 26/12/2023 17:49

TPHCM - Kết quả xử lý của nhiều tình huống trong phần thi mô phỏng bằng lái ôtô được đánh giá không đúng thực tế khi lái xe trên đường, đánh đố người thi.

Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, tính đến hết tháng 11.2023, TPHCM chỉ có 79.888 thí sinh thi đậu bằng lái xe ôtô (tỉ lệ đạt 54,19%), giảm 55,4% so với cả năm trước.

Trong đó, tỉ lệ rớt phần thi mô phỏng chiếm khoảng 10%. Nhiều thí sinh, giáo viên dạy lái xe nhận xét thi lấy bằng lái ô tô hiện nay sợ rớt nhất là phần thi mô phỏng. Cụ thể, hình thức thi mô phỏng có những câu hỏi rất khó hiểu, đặc biệt thao tác chọn đáp án phải chính xác từng "tích tắc".

Anh Trần Văn Thắng (45 tuổi, TP Thủ Đức) thi lý thuyết đậu nhưng mô phỏng lại rớt nên phải chờ đến tháng sau thi lại.

Theo anh Thắng, tuy đã được tập huấn cả tháng nay và thi thử nhiều lần nhưng anh vẫn gặp nhiều khó khăn do thời gian thi khá ít, câu hỏi nhiều và hiển thị rất nhanh. Nó còn khó ở chỗ thí sinh phải bấm chọn đáp án đúng lúc, bấm sớm không được, mà chậm cũng chẳng xong.

"Tôi nghĩ các đơn vị nên giảm bớt câu hỏi, thậm chí bỏ luôn phần thi mô phỏng này để thêm thời gian cho chạy xe thực hành" - anh Thắng nói.

Sở GTVT TPHCM nhận xét, theo phần mềm lái xe mô phỏng, người lái xe sẽ quan sát mô phỏng đang lái xe trên đường. Các tình huống nguy hiểm lập trình sẵn sẽ xuất hiện, người lái xe phải bấm nút space trên bàn phím để phản xạ. Thang điểm đạt được khi bấm đúng thời điểm như lập trình (tạm gọi điểm chuẩn) là 5 điểm. Nếu bấm chậm thang điểm sẽ giảm dần từ 4 về 3, 2, 1 và 0 điểm. Trường hợp thí sinh bấm quá sớm sẽ bị 0 điểm.

Hầu hết người học ghi nhớ như học thuộc bài, chứ chưa thể xử lý theo đúng phản xạ thực tế. Dù quan sát tốt tới đâu, phản xạ nhanh thế nào vẫn không thể có điểm cao, thậm chí bị 0 điểm. Như vậy mục đích "đo" phản xạ của người học khó đạt được trong chương trình học và thi mô phỏng. Phần mềm mô phỏng có nhiều bất cập, thiếu thực tế và đánh đố người thi.

Chia sẻ với Lao Động, giám đốc một trung tâm đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe ở TPHCM cho biết, môn thi mô phỏng này giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt đưa nhiều tình huống dạy lái trên cao tốc vào cho người dân trải nghiệm. Tuy nhiên, trong mỗi tình huống xảy ra trên đường sẽ có rất nhiều người có nhận định và phản ứng khác nhau.

Trong nhiều tình huống có nhiều người nhận diện từ sớm trước một hoặc hai giây và người ta xử lý sớm sẽ hạn chế va chạm cao hơn. Nhận diện càng trễ thì va chạm càng lớn. Thế nhưng trong phần mềm thi mô phỏng học viên bấm chọn sớm một giây bị chấm 0 điểm thì hơi vô lý cần xem xét lại.

“Cục Đường bộ Việt Nam cần sớm xem xét lại phần thi mô phỏng này, hoặc là bỏ luôn hoặc là phải điều chỉnh” – vị giám đốc trung tâm đào tạo và sát hạch nói.

Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ có hiệu lực từ 15.6.2022, yêu cầu môn thi mô phỏng lái xe ô tô được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với các hạng bằng B1, B2, C, D, E và FC.

Theo đó, từ tháng 6.2022, ngoài nội dung sát hạch lý thuyết 600 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, học viên khi thi bằng lái xe phải thi thêm nội dung phần mềm mô phỏng với 120 tình huống. Học viên quan sát các tình huống giao thông trong video mô phỏng, khi tình huống nguy hiểm xuất hiện sẽ phải bấm nút dừng.

Sau hơn 1 năm Thông tư 04 có hiệu lực, nhiều địa phương, trung tâm sát hạch, đào tạo lái xe phản ánh còn nhiều bất cập trong phần thi mô phỏng.

Các đơn vị kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu vấn đề này trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư bổ sung, sửa đổi quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn