MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh THPT quốc gia 2018 tại Nghệ An. Ảnh: MH

Thi THPT quốc gia 2018: Hơn 237 nghìn thí sinh thiệt thòi?

QUANG ĐẠI LDO | 15/07/2018 12:23
Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức với mục đích kép: Vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa là căn cứ để các trường đại học tuyển sinh. Tuy nhiên, bất cập đã thể hiện ngay trong mục tiêu này.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT), kỳ thi THPT quốc gia 2018 có đến 237.320 thí sinh dự thi chỉ với mục đích xét tốt nghiệp, chiếm 25,6% số thí sinh dự thi (925.964 thí sinh).

Số thí sinh chỉ đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp THPT nói trên cũng phải làm đề chung như tất cả các thí sinh khác, với độ khó tăng lên rất nhiều so với một đề thi tốt nghiệp THPT thông thường.

Theo thông lệ, đề thi tốt nghiệp THPT được ra với mức độ khó bình thường, bảo đảm các thí sinh có học lực trung bình đều đạt điểm trung bình. Đây là kì thi có tính chất sát hạch, kiểm tra mức độ lĩnh hội kiến thức, kĩ năng của thí sinh, để cấp bằng tốt nghiệp THPT, bắt buộc với mọi thí sinh.

Còn tuyển sinh đại học (ĐH) chỉ dành cho những thí sinh tự nguyện, với độ khó tăng lên nhiều lần, phục vụ cho mục tiêu chọn những thí sinh xuất sắc vào trường.

Với mục tiêu kép, “hai trong một” như trên, một số đề thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá là khó, hoặc quá khó. Như môn Toán, đến mức giáo sư phải lắc đầu, giáo viên giỏi phải rơi lệ. Gần triệu thí sinh tham dự nhưng chỉ có 2 điểm 10, gần 1.000 điểm 0.

Môn Văn bị phê phán trên nhiều phương diện, và cũng bị chê là khó. Năm 2017, cả nước có 4.235 điểm 10 các môn, năm nay chỉ có 477.

Những học sinh chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp đã phải làm một đề có độ khó quá mức thông thường, đương nhiên kết quả sẽ thấp hơn nhiều so với một đề thi tốt nghiệp thuần túy. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của hàng trăm nghìn thí sinh.

Có thể hình dung một đội bóng nghiệp dư phải đá chung sân với các đội chuyên nghiệp.

Sự việc cho thấy tổ chức kì thi THPT quốc gia “hai trong một” càng trở nên bất cập, không phù hợp với thực tế.

Để đảm bảo công bằng, Bộ GD-ĐT cần có đề thi dành riêng những thí sinh chỉ dự thi tốt nghiệp, với mức độ khó phù hợp.

Đồng thời, xem xét giải quyết vấn đề từ gốc, đó là tách riêng hai kì thi, có thể thay thế kì thi tốt nghiệp bằng xét kết quả quá trình học; trả kì thi tuyển sinh về cho các trường ĐH, theo lộ trình và nguyên tắc tự chủ. Một số trường ĐH có thể tuyển sinh bằng hình thức ghi danh, chọn lọc dần trong quá trình đào tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn