MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Với cách tính bảo hiểm thất nghiệp, thai sản hiện nay, người lao động như bị đánh rơi tiền. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Thiệt thòi với cách tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thai sản

Mạnh Cường LDO | 07/03/2024 06:30

Nhiều lao động bị thiệt thòi hàng triệu đồng khi hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thai sản theo cách tính hiện hành.

Ba năm làm việc ở Hà Nội với mức lương đóng bảo hiểm xã hội 4,6 triệu đồng, trở về quê làm công nhân, chị Chị Phạm Thị Mỹ Hoàn (27 tuổi, Cao Bằng) chỉ được đóng bảo hiểm với mức 3,42 triệu đồng. Đây cũng là yếu tố khiến chị Hoàn bị thiệt thòi 700.000 đồng/tháng khi quyết định nghỉ việc, hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trước đây làm việc ở thủ đô, lương cơ bản của chị Hoàn khá cao bởi lương tối thiểu vùng đã 4,3 triệu đồng. Về quê làm công nhân, do ở vùng 4 nên lương tối thiểu vùng chỉ hơn 3,2 triệu đồng.

“Cách tính bảo hiểm thất nghiệp dựa vào bình quân 6 tháng lương cuối trước khi nghỉ việc theo tôi nghĩ chưa công bằng. Vì không phải ai cũng làm lâu dài tại một công ty hay tại một khu vực nhất định. Như tôi nơi làm việc ở thành phố sau đó chuyển về quê thấp hơn nhiều so với đô thị sẽ khá thiệt thòi” - chị Hoàn cho hay.

Với cách tính này, chị Hoàn chỉ được hưởng 2.052.000 đồng/tháng thất nghiệp. Tính theo mức trung bình lương từ khi đi làm, chị Hoàn được hưởng 2,37 triệu đồng/tháng. Còn tính theo mức đóng cao nhất, nữ công nhân sẽ được hưởng hơn 2,7 triệu đồng/tháng bảo hiểm thất nghiệp. 5 năm hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị Hoàn nhẩm tính đánh "rơi mất" 3,4 triệu đồng.

Theo chị Hoàn, mức lương bình quân hưởng bảo hiểm thất nghiệp nên tính bằng ít nhất 3 năm cuối trước khi nghỉ việc. Như vậy kể cả khi chuyển sang nơi mới có mức đóng bảo hiểm thấp thì sau 3 năm cũng đã tăng lên đáng kể. Điều này theo nữ công nhân sẽ đảm bảo tính công bằng hơn cho người lao động.

Chuyển nơi làm việc sau 6 năm gắn bó, mức đóng bảo hiểm xã hội của chị Phạm Thị Duyên (29 tuổi, Nam Định) cũng thay đổi thấp hơn nhiều so với trước. Cụ thể, ở nơi mới, chị Duyên đóng bảo hiểm xã hội với mức 3,93 triệu đồng còn ở công ty cũ, mức đóng đã lên đến 4,7 triệu đồng.

“Khi làm việc ở nơi mới, tôi được công ty đóng bảo hiểm với mức chỉ cao hơn lương tối thiểu vùng một chút. Ở đâu cũng vậy trừ khi làm với chức vụ cao hơn. Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh tăng hàng năm hoặc dựa vào chính sách tăng lương tối thiểu vùng của Nhà nước” - chị Duyên chia sẻ.

Làm việc 1,7 năm, chị Duyên nghỉ sinh em bé. Lúc này, mức đóng bảo hiểm mới chỉ tăng lên 4,1 triệu đồng. Khi hưởng chế độ thai sản, nữ công nhân lại cảm thấy tiếc nuối, giá như làm cố ở công ty cũ đến khi sinh xong mới nghỉ.

Với mức bình quân đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối 4,1 triệu đồng, chị Duyên được hưởng tổng cộng 24,6 triệu đồng tiền bảo hiểm thai sản. Tính theo mức đóng ở công ty cũ, nữ công nhân được hưởng 28,2 triệu đồng. Nếu ở lại làm cho đến hiện tại, theo chị Duyên, mức hưởng còn cao hơn.

Gần 4 triệu đồng chênh lệch khiến chị Duyên vô cùng tiếc nuối. Bởi theo chị, với một người phụ nữ không đi làm, ở nhà chăm con trong 6 tháng, số tiền này cực kỳ thiết thực và hỗ trợ được nhiều khoản.

Chị Duyên cho rằng nên thay đổi cách tính bảo hiểm thai sản để đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong mọi tình huống. Nữ công nhân cũng đề nghị tính mức lương bình quân bằng 2 hoặc 3 năm cuối đóng bảo hiểm xã hội. Theo chị, cách tính này sẽ giảm đi sự chênh lệch, giúp mọi người đỡ thiệt thòi hơn.

Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng = Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60%.

Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn