MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng ở xã Văn Cẩm (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) yêu cầu, nhắc nhở người dân không phơi thóc cản trở đường giao thông. Ảnh: Nam Hồng

Thiếu chỗ phơi thóc, nông dân nhiều nơi ở Thái Bình vẫn phơi ra đường

TRUNG DU LDO | 09/06/2024 19:48

Thái Bình - Dẫu biết rằng mang thóc ra phơi trên đường gây cản trở giao thông, nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông, thế nhưng tại một số nơi ở tỉnh Thái Bình vẫn tái diễn tình trạng này vào mỗi vụ thu hoạch lúa. Lý do bởi bà con nông dân cho biết gia đình không có không gian, mặt bằng làm sân phơi.

Đến hẹn, đường giao thông lại thành sân phơi thóc

Những ngày đầu tháng 6 này, nông dân các địa phương trong tỉnh Thái Bình đã, đang tập trung thu hoạch lúa vụ xuân 2024. Đến hẹn lại lên, tình trạng người dân sử dụng lòng đường làm sân phơi thóc đang tái diễn ở nhiều nơi, không chỉ ở các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ mà tại cả các tuyến đường liên huyện, liên xã.

Người dân khi phơi thóc còn lấy bạt để lót, lấy gạch, đá, cành cây đặt trước những khu vực phơi thóc gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Ghi nhận tại huyện Hưng Hà cho thấy, từ lâu nay mỗi khi vào vụ gặt lúa, trên các tuyến đường giao thông, từ đường quốc lộ, liên huyện, liên xã đến liên thôn tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thường xuyên xuất hiện tình trạng các hộ gia đình sau khi thu hoạch lúa đã tận dụng luôn vỉa hè, một phần lòng đường để phơi thóc, làm ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người, phương tiện.

Anh Phạm Văn Thế (34 tuổi, trú huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cho biết: "Tôi hay phải chở hàng đi qua đây, mỗi năm đến vụ gặt lại rất hay phải gặp, đi qua những đoạn đường bà con tận dụng để phơi thóc sau thu hoạch. Biết là thóc gặt xong không thể không phơi thế nhưng việc làm này thực sự gây lo ngại nguy cơ mất an toàn giao thông, thực tế cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do tài xế không làm chủ được tốc độ điều khiển xe đi lên trên đoạn thóc đang phơi gây trơn trượt, mất lái".

Việc phơi thóc gây cản trở giao thông, nguy cơ mất an toàn giao thông tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nam Hồng

"Nhà chúng tôi ở mặt đường, không có diện tích, không có mặt bằng, không có sân phơi, trong khi thời tiết mưa nắng thất thường thế này nếu không tranh thủ nắng ráo để phơi thóc cho khô thì chỉ một vài ngày là ẩm ướt, mọc mầm hết. Thế nên dù biết phơi thóc ra đường giao thông là không đúng nhưng chúng tôi cũng không còn cách nào khác cả, chỉ biết che chắn, đặt chướng ngại vật để các phương tiện dễ quan sát để làm chủ tốc độ, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra", ông N.H.H (65 tuổi, trú huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) phân trần.

Cần có giải pháp lâu dài, hợp lý cho nông dân

Được biết, ngay từ đầu tháng 6.2024, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Thái Bình đã có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương trong tỉnh chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về nguy cơ, hậu quả của việc phơi nông sản (thóc) trên đường gây mất ATGT.

Trong đó, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan, các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở để nhân dân đề cao ý thức không phơi rơm rạ, thóc, để máy tuốt lúa trên lòng, lề đường giao thông; không đốt rơm rạ làm hư hỏng mặt đường và gây khói bụi, ảnh hưởng tầm nhìn, mất ATGT.

Công an tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp với phòng kinh tế hạ tầng, quản lý đô thị các huyện, thành phố; chính quyền xã, phường, thị trấn bố trí lực lượng kiểm tra trên các tuyến đường từ quốc lộ đến đường nông thôn để có biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ với PV Lao Động về vấn đề này, một vị nguyên lãnh đạo huyện ở tỉnh Thái Bình - cho rằng: "Thái Bình nói gì nói vẫn là tỉnh đi lên từ nông nghiệp, người dân trong tỉnh hiện nay vẫn còn cấy lúa rất nhiều, một năm 2 vụ. Trong khi đó, không phải gia đình hộ nông dân nào cũng có sân hay vườn để phơi thóc sau thu hoạch. Khi không có chỗ phơi mà thóc thì không thể ủ lâu thì đương nhiên người ta sẽ phải liều đem ra đường để phơi, nếu không thì bao công sức cấy hái cả vụ mới được ít thóc sẽ hư hỏng hết ngay".

Vị này cho rằng, các sở, ngành nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng và các địa phương trong tỉnh cần phải suy nghĩ, nghiên cứu tìm ra giải pháp căn cơ, lâu dài cho câu chuyện nói trên, chứ không phải cứ mỗi khi đến vụ thu hoạch lại bắt đầu tăng cường "tuyên truyền", "nhắc nhở", "xử lý"...

"Nông dân ở nhiều nơi đã tận dụng mượn góc không gian sân nhà văn hóa ở các thôn, xóm, rồi sân đình, sân chùa, những không gian công cộng không phải là đường giao thông có nhiều người qua lại để tranh thủ thay nhau phơi, hong thóc cho khô. Thế rồi hiện nay nhiều hộ kinh doanh đã đầu tư hệ thống máy, lò sấy thóc số lượng lớn để phục vụ cho việc buôn bán thóc tươi, có thể nhận sấy thuê chẳng hạn... tóm lại là phải có giải pháp lâu dài, khả thi hơn là cứ để như hiện nay", vị nguyên lãnh đạo nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn