MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân huyện Cát Hải chưa có đường ống nước sạch phục vụ sinh hoạt do vướng ở nhiều dự án. Ảnh: Anh Vũ

Thiếu nước sạch, nhiều người dân Hải Phòng phải mua đến 50.000 đồng/m3

Hoàng Khôi LDO | 16/06/2023 17:08

Không có đường ống dẫn nước máy sinh hoạt, hàng nghìn hộ dân ở huyện Cát Hải (Hải Phòng) vẫn phải dùng nước mưa, giếng khoan không bảo đảm vệ sinh, hoặc mua nước sạch với giá đến 50.000 đồng/m3.

Nhiều năm dùng nước sạch giá cao

Thời gian qua, Báo Lao Động nhận được phản ánh của nhiều người dân về việc thiếu nước sạch kéo dài nhiều năm, người dân phải mua nước với giá cao gấp nhiều lần giá nước sinh hoạt.

Cụ thể, ông H.T (53 tuổi, tổ dân phố Hải Lộc, thị trấn Cát Hải) cho biết, thời điểm mùa khô, gia đình ông T mua nước sinh hoạt với giá 35.000 đồng/m3. Dù chỉ sử dụng tiết kiệm, ưu tiên nước sạch để nấu nướng, tắm giặt cho trẻ nhỏ nhưng mỗi tháng tiền nước cũng mất tiền triệu.

Nếu như những hộ ngoài mặt đường như ông T thuận lợi trong việc mua nước sạch thì nhiều nhà trong ngõ sâu, giá nước không chỉ đắt hơn (50.000 đồng/m3) mà còn khó khăn trong việc bơm bán nước. Bà Phạm Thị Mãn (Thị trấn Cát Hải) cho hay: Gia đình bà cũng muốn sử dụng nước sạch để sinh hoạt nhưng vì nhà trong ngõ quá sâu, xe chở nước không vào tới nên buộc lòng vẫn phải dùng nước mưa.

Được biết, tình trạng thiếu nước sạch kéo dài nhiều năm nay. Vừa qua, cử tri huyện Cát Hải cũng phản ánh đến HĐND Thành phố, mong muốn thành phố quan tâm, tạo điều kiện lắp đặt đường ống dẫn nước máy đến các gia đình để nhân dân có nước sạch sử dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Người dân huyện Cát Hải thiếu nước sạch trong nhiều năm. Ảnh: Hoàng Khôi

Xem xét lắp đường ống nước theo hình thức xã hội hoá

Theo văn bản trả lời kiến nghị cử tri huyện Cát Hải của HĐND TP.Hải Phòng, khu vực đảo Cát Hải hiện có các xã Văn Phong, Nghĩa Lộ, Hoàng Châu, Đồng Bài và khu vực thị trấn có khoảng hơn 4.000 hộ thuộc phạm vi thực hiện 3 dự án: dự án thành lập Khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, huyện Cát Hải -(do Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vũ làm chủ đầu tư); dự án đầu tư xây dựng khu cảng hàng hóa, bến tàu du lịch, ga cáp treo, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch, khu dịch vụ hậu cần du lịch tại huyện Cát Hải (do Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời làm chủ đầu tư) và dự án tổ hợp sản xuất ôtô Vinfast tại đảo Cát Hải (do Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast) làm chủ đầu tư.

Giai đoạn trước năm 2020, do tình hình nước sạch chủ yếu được các đơn vị tư nhân mua nước từ trạm tăng áp Đông Hải thuộc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng về bán cho người dân trên đảo nên giá nước (theo số liệu khảo sát) trung bình từ 70.000-150.000 đồng/m3.

Trước tình hình đó, UBND Thành phố chỉ đạo Công ty CP Cấp nước Hải Phòng lắp đặt đường ống qua biển và 1 họng nước cấp tại Ngã tư phà Gót - đường đi thị trấn Cát Hải. Đồng thời, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast phối hợp với Công ty CP Cấp nước hỗ trợ lắp đặt thêm 2 họng cấp nước tại 2 thôn Văn Chấn, Trung Lâm (xã Văn Phong), nâng tổng số họng cấp nước sạch lên 3 họng cấp nước.

Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, sau khi các họng cấp nước hoàn thành, UBND huyện Cát Hải đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên đảo và nhận được sự đồng thuận của nhân dân về việc nước sạch sẽ được đại diện nhân dân trên đảo là ông Đoàn Tiến Thụy (hộ khẩu thường trú tại thị trấn Cát Hải) dùng xe chuyên dụng mua nước của Công ty CP Cấp nước Hải Phòng tại 3 họng nước trên và chở đến cung cấp cho các hộ dân với giá từ 35.000 - 50.000 đồng/m3 (vị trí nhà dân sát đường giá 35.000 đồng/m3, nhà trong ngõ sâu 50.000 đồng/m3) giảm nhiều so với thời kỳ trước năm 2020.

Nếu thực hiện lắp đặt đường ống đến các hộ dân bằng nguồn vốn ngân sách hoặc nguồn vốn của Công ty CP Cấp nước không khả thi do không phù hợp với quy hoạch huyện Cát Hải.

Vì vậy, thời gian tới UBND Thành phố chỉ đạo UBND huyện Cát Hải phối hợp với Công ty CP Cấp nước, Công ty CP Tập đoàn Mặt trời, Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vũ, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast nghiên cứu phương án lắp đặt đường ống nước vào các hộ dân theo hình thức xã hội hóa trong thời gian thực hiện các dự án. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị trên tập trung thực hiện các dự án do đơn vị, công ty làm chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn