MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một điểm trông giữ xe tại một khu đô thị ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Minh Hạnh

Thỏa thuận trông giữ xe bằng miệng vẫn đủ tính pháp lý

Minh Hạnh LDO | 21/02/2024 18:05

Việc trông giữ xe tại các tòa chung cư tại Hà Nội đang có nhiều bất cập, nhiều điểm trông giữ xe không ký hợp đồng mà chỉ hợp đồng miệng. Khi xảy ra mất mát, hư hỏng phương tiện sẽ rất khó giải quyết.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện TP Hà Nội có trên 7,8 triệu phương tiện giao thông, trong đó hơn 1 triệu ôtô và hơn 6,6 triệu xe máy, hơn 184.000 xe máy điện; chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Thủ đô. Do đó, việc trông giữ phương tiện rất phức tạp, đặc biệt là tại các khu chung cư.

Phần lớn các điểm trông giữ xe tại các chung cư đều chỉ được thỏa thuận miệng giữa chủ phương tiện và người trông giữ. Ảnh minh họa: Minh Hạnh

Ghi nhận tại nhiều khu chung cư ở Hà Nội, việc trông giữ xe chỉ được thỏa thuận miệng giữa chủ phương tiện và người trông giữ. Theo anh Trần Văn Ngọc (trú tại khu Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội), điểm trông giữ xe tại chung cư anh ở thường không có hợp đồng và chỉ có quy định về giá thu phí trông xe ôtô đối với cư dân là 600.000 đồng/xe/tháng, với khách ngoài khu chung cư là 800.000 đồng/xe/tháng.

Ông Nguyễn Hoàng Quân, trú tại 275 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, việc gửi xe tại các chung cư rất đơn giản, người gửi chỉ cần cung cấp hợp đồng mua nhà, đăng ký xe.

Theo ông Quân, tại hợp đồng mua nhà với chủ đầu tư đã có điều khoản 1 hộ được gửi 1 ôtô giá 1.200.000 đồng/tháng, xe thứ 2 trở đi là 2.000.000 đồng/tháng; xe máy 60.000 đồng/tháng, nộp tiền trực tiếp thì có biên lai, nộp qua tài khoản thì không có biên lai. Do đó, nếu hư hại hoặc mất tài sản, trách nhiệm phải thuộc bên trông giữ, cụ thể là ban quản lý tòa nhà.

Một điểm trông giữ xe tại chung cư Nam Trung Yên, Hà Nội. Ảnh: Minh Hạnh

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Công ty Luật kết nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, biên lai thu tiền và vé xe cũng được coi là cơ sở pháp lý ràng buộc giữa các bên vì theo quy định tại Luật Dân sự, có hai loại hợp đồng là hợp đồng giao dịch bằng lời nói và hợp đồng ký kết. Khi xảy ra tranh chấp, nếu các bên không hòa giải được thì sẽ gửi đơn đến cơ quan công an hoặc toà án giải quyết.

Theo quy định tại Điều 101 của Luật Nhà ở, chỗ để xe của nhà chung cư được xây dựng căn cứ vào tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và hồ sơ thiết kế được duyệt. Chỗ để xe có thể được bố trí tại tầng hầm hoặc tại tầng một hoặc tại phần diện tích khác trong hoặc ngoài nhà chung cư, được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ; chỗ để xe phải được sử dụng đúng mục đích theo nội dung dự án được phê duyệt.

Cũng theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, theo quy định, việc trông giữ ôtô, xe máy… trong các khu chung cư thì không cần hợp đồng và chỉ cần chủ hộ đăng ký với đại diện ban quản lý về việc gửi xe.

Cùng đó, theo quy định của Luật Dân sự, chủ phương tiện chỉ cần vé xe, hóa đơn thu tiền hoặc đăng ký trông giữ xe là đủ cơ sở pháp lý chứng minh đã có việc trông giữ và khi xảy ra hỏng hóc, mất trộm tại bãi thì người trông giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Ông Lê Xuân Minh - Trưởng ban Chăm sóc khách hàng Công ty Cổ phần Dịch vụ Sudico (Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội) - cho biết, để đảm bảo tính pháp lý, tất cả các phương tiện gửi tại các điểm trông giữ trong khu đô thị do Sudico quản lý phải ký hợp đồng với đầy đủ các quy định về trách nhiệm của bên trông giữ và người gửi rất rõ ràng.

Cụ thể, người gửi phải là cư dân của tòa nhà, có xác nhận của tổ trưởng dân phố đúng tên với căn cước công dân, phương tiện phải có giấy tờ đầy đủ, có bảo hiểm bắt buộc…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn