MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Thông điệp của Thủ tướng về xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục

QUANG ĐẠI LDO | 10/09/2022 12:57

Vào sáng 5.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Thủ tướng nói: “Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ”.

Không phải ngẫu nhiên người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở ngành giáo dục về hệ lụy của bệnh thành tích, dẫn đến hành động áp đặt gây ảnh hưởng không tốt đến học sinh.

Nhiều năm trở lại đây, bệnh thành tích trong giáo dục đã được nhận diện và bị dư luận phản ứng. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã đề xướng phong trào “Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục”. Tuy nhiên, thực tế đến nay hiện tượng này vẫn tồn tại, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục.

Nhiều năm qua, nhiều cuộc “thi tìm hiểu” được triển khai trong ngành giáo dục. Nguyên tắc của các cuộc thi này là tự nguyện, thực chất, hiệu quả. Tuy nhiên, do bệnh thành tích, cần tỷ lệ tham gia cao để “làm đẹp” báo cáo, mà nhiều trường tổ chức với chỉ đạo 100% giáo viên, học sinh tham gia. Người dự thi chỉ cần chép lại đáp án có sẵn, mỗi cơ sở chỉ đầu tư một số bài chất lượng cao để chấm lấy thành tích, còn lại chỉ nộp cho có. Hệ lụy là lãng phí thời gian, công sức của rất nhiều người.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh triển khai hàng chục năm qua cũng gây bức xúc dư luận bởi nhiều hiện tượng có dấu hiệu sao chép, làm hộ, không thực chất, không hiệu quả, tốn kém lãng phí. Tuy nhiên nhiều các trường không thể không tham gia vì áp lực thành tích, chấm điểm thi đua. Do đó, nhiều trường phải chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm đề tài, nhờ chuyên gia hỗ trợ để có dự án dự thi. Liên quan cuộc thi này, một số giảng viên đại học cũng đã có tai tiếng. Trên mạng xã hội, các sản phẩm, dự án dự thi khoa học kỹ thuật được rao bán như “mớ rau, con cá”.

Nhiều hiệu trưởng các trường phổ thông chia sẻ rất áp lực vì các cuộc thi, các phong trào thi đua được phát động thường xuyên, các trường hầu hết buộc phải tham gia nên rất mệt mỏi, tốn kém, ảnh hưởng công tác chuyên môn.

Tỉ lệ học sinh lên lớp, học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, học sinh đậu tốt nghiệp, đậu đại học...luôn luôn ám ảnh các nhà quản lý giáo dục. Một số địa phương tổ chức khảo sát chất lượng học sinh, rồi xếp loại các trường dựa theo kết quả chấm điểm. Do sợ bị bét bảng, nhiều trường phải tổ chức ôn luyện cật lực để có kết quả khả quan nhất trong bảng tổng sắp.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, nhiều hoạt động dành cho học sinh, nhưng báo cáo thành tích vẫn là nội dung trọng yếu của rất nhiều lễ khai giảng.

Thành tích, danh hiệu, điểm số, tỷ lệ “đẹp” trong các bảng xếp hạng...luôn là khao khát của hầu hết các nhà quản lý giáo dục.

Hệ lụy của bệnh thành tích vô cùng nặng nề. Không chỉ lãng phí, tốn kém, mà còn gây nhiều hậu quả khác như vô hình trung khuyến khích cách làm gian dối, chạy theo con số đẹp mà bỏ quên chất lượng giáo dục đào tạo.

Thiết nghĩ, để khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần tôn trọng, phát huy tính trung thực, nhân văn, sáng tạo, những giá trị cốt lõi của giáo dục và xử lý nghiêm minh, triệt để những hành vi gian dối, vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn