MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Lê Thị Hằng buồn bã sau những biến cố gặp phải khi làm giúp việc gia đình ở xứ người. Ảnh: NVCC

Thông tin mới vụ người lao động Việt Nam giúp việc ở Saudi Arabia kêu cứu

ANH THƯ LDO | 21/07/2020 15:40

Báo Lao Động nhận được đơn cầu cứu của chị Lê Thị Hằng (xã Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An) về việc đi làm việc giúp gia đình ở Saudi Arabia bị chủ cũ hành hạ, nợ lương và giữ giấy tờ tuỳ thân. 

Do có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, chị Lê Thị Hằng (sinh năm 1990) đã tìm đến Công ty Cổ phần Xây dựng, cung ứng nhân lực và xuất nhập khẩu Thiên Ân (Công ty Thiên Ân) để có thể đi làm việc ở nước ngoài. Tháng 4.2019, chị Hằng bắt đầu xuất cảnh và làm giúp việc cho gia đình ở Saudi Arabia. 

Sau thời gian ngắn làm việc, ngoài nợ 5 tháng lương, gia đình chủ còn giữ những giấy tờ của chị Hằng như hộ chiếu, vali quần áo, sổ tiết kiệm, bằng lái xe, điện thoại… 

Trước sự việc xảy ra, người lao động mong muốn được hoàn trả tiền lương, giấy tờ tuỳ thân trên và sớm về nước đoàn tụ với gia đình.

Sở dĩ đến nay những vấn đề người lao động đang gặp phải chưa thể giải quyết, phía Công ty Thiên Ân cho rằng, tình hình dịch COVID-19 ở Saudi Arabia diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội nên công ty môi giới chưa thể đến nhà chủ cũ để lấy giấy tờ.

"Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có đường bay nào giải quyết những mong muốn cho chị Hằng. Đó là tình hình chung của thị trường này” - đại diện công ty cho hay.

Trao đổi với phóng viên chiều 21.7, ông Lê Anh Văn - Phụ trách thị trường Saudi Arabia của Công ty Thiên Ân cho biết, mới đây, phía công ty có nhận được công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia về việc đơn vị này nhận được thông báo của Cục Lãnh sự dự kiến sẽ có 1 chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Saudi Arabia về nước vào ngày 8.8.2020.

Cục Lãnh sự đề nghị Đại sứ quán lập danh sách công dân về nước bao gồm 186 người chính thức và 50 người dự bị. Theo đó, thực tế đến nay đã có khoảng 350 lao động tại Saudi Arabia đăng kí nguyện vọng về nước.

Để có căn cứ lựa chọn danh sách theo số lượng cho phép gửi Cục Lãnh sự phê duyệt, Đại sứ quán đề nghị các công ty rà soát, lập danh sách người lao động của công ty có nguyện vọng hồi hương theo thứ tự ưu tiên người lao động không được hỗ trợ ăn ở, hết việc, không có thu nhập...

Về trường hợp của chị Hằng, ông Văn cho biết: "Hiện nay lao động này đang làm việc ở chủ mới, chưa thuộc trường hợp ưu tiên về nước nên chưa giải quyết cho người lao động về nước được. Trường hợp về nước được ưu tiên trong đợt này là những lao động đã hết hạn hợp đồng làm việc không có chỗ ăn ở".

Về giấy tờ và tiền lương chưa giải quyết với chủ cũ, đại diện công ty Thiên Ân cho biết: "Công ty môi giới đang làm việc, đòi lại giấy tờ và tháng lương còn lại của chị Hằng. Hiện, việc này vẫn đang xử lý và chưa có kết quả".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn