MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Đông Trù (Hà Nội). Ảnh: Tô Thế

Thông tin về 3 huyện của Hà Nội được đề xuất lên thành phố

Phạm Đông - Tùng Giang LDO | 11/10/2021 07:51

Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến nghiên cứu, đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô. Báo Lao Động có những tìm hiểu về thông tin về 3 huyện được đề xuất lên thành phố này.

Báo cáo về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, UBND TP Hà Nội cho biết, sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố.

1. Huyện Mê Linh

Huyện Mê Linh nằm ở phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội, là địa phương có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Mê Linh được xác định là vùng kinh tế trọng điểm, trong đó lấy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị là trọng tâm gắn với phát triển văn hóa, xã hội.

Huyện Mê Linh gồm 2 thị trấn và 16 xã; có diện tích: 141,64 km2; Dân số năm 2019 khoảng 240.555 người.

Trung tâm hành chính huyện Mê Linh. Ảnh: T.G

Các tuyến giao thông:

+ Đường vành đai: Vành đai 3 Bắc Sông Hồng, Vành đai 3,5, Vành đai 4 – Vùng thủ đô;

+ Đường đô thị: Bắc Thăng Long - Nội Bài; Trục trung tâm Mê Linh

+ Đường sắt đô thị: Số 6 đi nối dọc theo đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, số 7 đi dọc theo đường Vành đai 3,5

Về phát triển kinh tế xã hội:

Năm 2021, tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu 9 tháng đầu năm ước đạt 22.318 tỉ đồng, đạt 73,46% kế hoạch, tăng 7,6% so vùng kỳ; cơ cấu ngành công nghiệp – xây dựng; dịch vụ, nông nghiệp tương ứng là: 87,2%; 4,5%; 8,3%. 

Các hoạt động văn hóa xã hội được tổ chức tốt; tập trung cao độ để hoàn thành các tiêu chí đạt huyện nông thôn mới năm 2021. Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý đô thị và tài nguyên – môi trường được chú trọng hơn.

Trước đó, tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 28.235 tỉ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ 2019. Năm 2020: 16/16 xã của huyện đã về đích nông thôn mới

- Lợi thế: Mê Linh được xác định là vùng kinh tế trọng điểm, trong đó lấy phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị là trọng tâm gắn với phát triển văn hóa, xã hội phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội

2. Huyện Đông Anh

Đông Anh là một huyện ngoại thành, ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch đã được Chính phủ và Thành phố phê duyệt, là đấu mối giao thông quan trọng nối Thủ Đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.

Huyện Đông Anh gồm 1 thị trấn và 23 xã; tổng diện tích đất tự nhiên: 182,30 km2; Dân số: 405.749 người (2019).

Hạ tầng giao thông:

+ Đường quốc lộ: Đường 23B, QL 3, QL 23A

+ Đường cao tốc: Hà Nội - Thái Nguyên; Đường cao tốc Thăng Long-Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt); Đường cao tốc Nhật Tân-Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp); Quốc lộ 5 kéo dài gồm đường Trường Sa và đường Hoàng Sa

+ Các cây cầu trên địa bàn huyện và nối huyện với các địa phương xung quanh: cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù.

+ Đường sắt: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên. Dự kiến: các dự án đường sắt đô thị đi qua địa bàn huyện là các tuyến số 2 (Nội Bài - Thượng Đình), tuyến số 4 (Liên Hà - Bắc Thăng Long), tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi), tuyến số 7 (Mê Linh - Ngọc Hồi).

Cầu Đông Trù kết nối huyện Đông Anh với trung tâm Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tô Thế

Phát triển kinh tế:

Trong 9 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện Đông Anh ước tăng 7,5%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 1.778 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 103.520 tỉ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp kinh tế ngoài nhà nước trên địa bàn huyện 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 16.800 tỉ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác Giáo dục đào tạo, văn hoá thể thao được quan tâm và có nhiều đổi mới, an sinh xã hội được đảm bảo.

Trước đó, năm 2020, giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn huyện ước đạt hơn 151.766 tỉ đồng tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

- Lợi thế: Đông Anh là huyện có lợi thế lớn về giao thông. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu giữa Hà Nội với các tỉnh Đông Bắc và là cửa ngõ giao lưu quốc tế của đất. Phần lớn đất đai của Đông Anh nằm trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị.

3. Huyện Sóc Sơn

Sóc Sơn là huyện ngoại thành phía Bắc Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Thành phố hơn 30 km. Bao quanh huyện là hệ thống sông Cầu, sông Cà Lồ. Hệ thống giao thông của huyện đa dạng gồm cả đường bộ, đường sắt, đường không và đường thuỷ.

Huyện có 1 thị trấn Sóc Sơn và 25 xã; Diện tích: 304,7 km2 (rộng thứ 2 của Thành phố); Dân số: 348.153 người (số liệu cuối năm 2019).

Hạ tầng giao thông đường bộ:

+ Quốc lộ chạy qua: QL2, QL3, QL18

+ Đường cao tốc: Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; Võ Văn Kiệt; Cao tốc Nội Bài – Lào Cai

+ Đường hàng không: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

+ Đường sắt: Hà Nội – Thái Nguyên và các dự án đường sắt đô thị Hà Nội dự kiến đi qua địa bàn huyện: tuyến số 2 (Nội Bài - Thượng Đình), tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi).

Huyện Sóc Sơn trên đường đổi mới. Ảnh: Hanoigov

Phát triển kinh tế:

+ Năm 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 9,64%/năm. Cơ cấu kinh tế phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp

+ Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 52 triệu đồng/người/năm

+ 25/25 xã được công nhận xã nông thôn mới

- Lợi thế: Sóc Sơn là huyện có diện tích rộng thứ 2 của thành phố, là huyện đầu mối kết nối giao thông Thủ đô và các tỉnh phía Bắc, trung tâm kết nối giao thương quốc tế qua sân bay Nội Bài. Địa bàn huyện có nhiều công trình an ninh quốc phòng, nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp thương mại, dịch vụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn