MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một hoạt động của học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tại một cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ

Thu hút GS về công tác: Đến lúc tái cấu trúc nguồn nhân lực trường chuyên

TS. Cù Văn Trung - Phó Hiệu Trưởng Trường Trung cấp Đông Á LDO | 17/03/2022 11:56
Việc UBND tỉnh Hòa Bình trình Dự thảo Nghị quyết lên Hội đồng nhân dân tỉnh, trong đó có đề xuất chi 1 tỉ đồng mời giáo sư, phó giáo sư và 300 triệu đồng cho tiến sĩ cam kết về công tác trong 10 năm tại trường chuyên của tỉnh đang thu hút ý kiến trái chiều từ dư luận. 

Lần tìm lại chính sách thu hút người tài về giảng dạy tại các trường THPT chuyên trên cả nước, có thể thấy một vài tỉnh ở nước ta đã tiến hành chủ trương này từ khoảng vài năm trước đó, đơn cử như: Bắc Ninh, Hà Nội, Bình Phước, Đà Nẵng, Hải Phòng … và ở đây họ cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Như tại Bắc Ninh: Nếu các thầy cô có học hàm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) hoặc trình độ tiến sĩ (TS) ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài (ít nhất 10 năm) thì được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỉ đồng (tương đương giá trị 1 căn nhà ở xã hội trên địa bàn TP.Bắc Ninh có diện tích khoảng 70m2.

Về cơ bản khi có chính sách thu hút người tài về giảng dạy, thì số lượng và chất lượng giáo viên tăng lên, thành tích của các nhà trường cũng chuyển biến tích cực. Hiện nay, tại nhiều trường THPT chuyên tuyến tỉnh đã có một số tiến sĩ tham gia giảng dạy. Điều đó kích thích những yếu tố mới trong một môi trường giáo dục đặc thù.

Quay trở lại với chính sách thu hút người tài ở Hòa Bình, cần phải khẳng định rằng nguyên nhân sâu xa của việc cần thiết đề xuất chính sách về thu hút người tài về công tác tại Trường THPT chuyên của tỉnh Hòa Bình đó là “trong 5 năm gần đây số lượng học sinh giỏi Quốc gia có chiều hướng giảm mạnh; một số giáo viên chưa tâm huyết trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc gia; kinh phí cho các hoạt động mũi nhọn của nhà trường còn eo hẹp…”.  Vấn đề này được chỉ ra trong buổi làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy với nhà trường vào ngày 24.8.2021.

Ngoài mục đích tái cấu trúc lại nguồn nhân lực tại trường THPT chuyên thì mong muốn xa hơn nữa của ngành giáo dục tỉnh này là từng bước đổi mới, nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ nhà giáo.  Người có trình độ cao, ngoài giảng dạy, còn tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên toàn tỉnh.

Vì thế, theo tôi, chính sách thu hút người tài là GS, PGS mà Hòa Bình đưa ra có mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng, ban đầu là nhằm “vực dậy” cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình (Trường THPT chuyên). Thêm vào đó những quy định được thể hiện trong Dự thảo Nghị quyết là kịp thời, phản ánh thực tiễn trong một môi trường hẹp (trường chuyên) nhưng có ý nghĩa rộng. Đó là nó sẽ tạo tiền đề cho việc tiếp tục đổi mới trong tư duy của nhà quản lý, từ đó hứa hẹn sẽ có thêm nhiều chính sách mang hơi thở của cuộc sống, có tính ưu việt, phản ánh được khát vọng và ý chí của lãnh đạo địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa  - giáo dục của tỉnh mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn