MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thu nhập 15- 30 triệu đồng/tháng, chi tiêu thế nào để tiết kiệm được 500 triệu đồng?

Mạnh Cường LDO | 06/07/2023 09:10

Ra trường năm 2019, sau gần 5 năm đi làm, chị Nguyễn Thị Huyền Trang (26 tuổi) ngụ tại quận Đống Đa (Hà Nội) đã tiết kiệm được hơn 500 triệu đồng với mức thu nhập tăng dần từ 15 đến gần 30 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ với Lao động, chị Trang cho biết phương châm sống của bản thân là: Tiết kiệm trước, chi tiêu sau, thay vì tiết kiệm khắt khe hãy tìm kiếm công việc tạo ra thu nhập tốt hơn cho bản thân. Hiện tại, chị Trang đang làm chuyên viên tư vấn tài chính đồng thời kiêm thêm chức vụ trợ lý online hỗ trợ mảng xuất nhập khẩu cho các công ty có nhu cầu.

Chị Trang thực hiện phương châm sống tiết kiệm trước, chi tiêu sau. Ảnh: NVCC.

"Tiết kiệm trước, chi tiêu sau giúp tôi luôn có một khoản tiền chắc chắn trong tay để thực hiện hiệu quả các kế hoạch. Bên cạnh đó, với công việc có thu nhập tốt cũng giúp việc chi tiêu của tôi thoải mái hơn, không phải tiết kiệm một cách khắt khe, kham khổ" - chị Trang cho hay.

Ngay sau khi ra trường, chị Trang đã đặt mục tiêu 5 năm phải kiếm được 1 tỉ đồng. Sau đó, chị chia nhỏ mục tiêu theo từng năm, từng tháng. Nhẩm tính 1 tháng phải có ít nhất 16,5 triệu đồng nên chị quyết định chỉ làm các công việc tạo ra mức thu nhập tương đương. Với chị Trang, công việc mang lại niềm vui, hạnh phúc trước mắt phải là công việc có thu nhập cao.

Trong lĩnh vực đầu tư, nữ chuyên viên tư vấn tài chính lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất. Cụ thể, mỗi tháng, chị Trang đều dành ra một khoản gửi tiết kiệm trước, số tiền còn lại mới dành để chi tiêu.

Đối với vấn đề tiết kiệm, chị Trang hạn chế tối đa các giao lưu không cần thiết, 1 tuần chỉ đi ăn uống ở những nơi sang trọng cùng bạn bè, đồng nghiệp 1 lần, ưu tiên chọn những quán bình dân. Mỗi tháng cũng chỉ mua 1 - 2 bộ quần áo đẹp. Những vấn đề này theo chị không quá quan trọng, miễn sao vẫn duy trì được các mối quan hệ đừng để bản thân bị xa lánh hay kham khổ là được.

Bên cạnh đó, chị Trang cũng quyết định ở ghép với bạn với chi phí 2 triệu đồng/người. Nấu ăn ở nhà cũng được ưu tiên để tiết kiệm chi phí và đảm bảo vệ sinh. Một năm, chị Trang sắp xếp đi du lịch trong nước 2 - 3 lần theo dạng trải nghiệm hơn là nghỉ dưỡng để khám phá, mở rộng tầm hiểu biết đồng thời hạn chế phát sinh chi phí.

Nói về dự định thời gian tới, chị Trang cho biết vẫn sẽ duy trì lối sống như hiện tại nhưng sẽ đầu tư nhiều hơn cho công việc. Vì bản thân chị cho rằng điều này là hợp lý cũng như giúp chị phát triển công việc và có thêm thu nhập tốt hơn trong tương lai.

Hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Hoa đều làm công nhân ở quê nhưng tổng thu nhập khá ổn định từ 20 - 22 triệu đồng do ăn lương theo sản phẩm. Sau 5 năm đi làm cộng với tiền mừng cưới, cặp vợ chồng trẻ đã tiết kiệm được 800 triệu đồng để mua nhà.

Chị Hoa và con gái. Ảnh: NVCC.

Chị Hoa cho biết, ở quê chi phí ăn uống và cho con cái đi học không đáng là bao. Thêm nữa, hai vợ chồng chị sống cùng bố mẹ không mất tiền thuê nhà, chỉ ăn bữa sáng và bữa tối do bữa trưa công ty hỗ trợ nên mỗi tháng cả chi phí sinh hoạt của gia đình và học tập của con chỉ tốn hơn chưa đến 5 triệu đồng.

Để gia tăng tài sản, chị Hoa nghe lời bố mẹ mỗi tháng trích ra 12 - 15 triệu đồng để mua vàng và gửi tiết kiệm. Năm 2021, nữ công nhân bán 20 chỉ vàng với giá gần 5 triệu đồng/chỉ trong khi trước đó chỉ mua với giá chưa đến 4 triệu đồng/chỉ.

Lãi suất tiết kiệm từ số tiền tích lũy cũng giúp vợ chồng chị có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn