MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không còn được tăng ca, thu nhập giảm song công nhân vẫn cố bám trụ ở công ty. Ảnh: Mạnh Cường.

Thu nhập giảm công nhân vẫn gắn bó với công ty

Mạnh Cường LDO | 20/07/2023 06:22

Chị Phạm Thị Hồng (45 tuổi), công nhân ép suất, thành hình tại Công ty TNHH Giày Amara Việt Nam (Nam Định) cho biết, 3 tháng gần đây thu nhập của chị giảm sút hẳn khi công ty không còn tăng ca như trước.

Trước đây, nhóm công nhân như chị Hồng làm đều đặn từ 7h30 sáng đến 19h30 tối, nghỉ 2 ca, mỗi ca 45 phút nhưng thu nhập lúc nào cũng 8,5 - 9 triệu đồng/tháng. Bây giờ chỉ làm đến 18h, thu nhập giảm đi hơn 1 triệu mỗi tháng.

Đến nay chị Hồng đã làm tại công ty được gần 7 năm. Tháng 11.2016, chị Hồng nhận mức lương cơ bản 3 triệu đồng, tổng thu nhập và phụ cấp lúc đó gần 6 triệu đồng/tháng. Hiện tại, lương cơ bản của chị đã tăng lên 4,5 triệu đồng, thu nhập thực tế cũng gần gấp đôi.

Lương cơ bản (mức lương đóng bảo hiểm) của chị Hồng tăng 1,5 triệu đồng sau gần 7 năm. Ảnh: NVCC.

Theo chị Hồng, mức lương cơ bản công ty đóng bảo hiểm luôn cao hơn lương tối thiểu vùng III nhà nước quy định. Dù hiểu rất rõ ý nghĩa của việc tăng lương cơ bản nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chị cũng không đòi hỏi gì thêm. Đồng thời, chị Hồng cũng không có ý định nghỉ việc làm công ty khác trong khi thu nhập đang giảm sút.

“Giờ khó khăn chung chứ đâu phải riêng ở đây, với lại nghỉ ở đây rồi biết làm ở đâu, 45 tuổi không còn công ty tuyển nữa” - chị Hồng trầm tư.

Lý giải chi tiết hơn, chị Hồng cho biết đây không phải lần đầu thu nhập bản thân bị giảm sút. Gần 7 năm đi làm, ít nhất 4 lần chị đối mặt với tình huống này nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận. Bởi bây giờ chuyển đổi công việc mới phải bắt đầu lại từ đầu, không có thâm niên thu nhập khéo còn thấp hơn hiện tại.

Do đó, chị Hồng luôn khẳng định chắc nịch sẽ làm ở đây ít nhất đến 50 tuổi hoặc khi nào công ty cho thôi việc. Nếu trụ được đến 50 tuổi, chị sẽ cân nhắc đóng thêm bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu an tâm về già chứ không rút một lần.

Cùng hoàn cảnh với chị Hồng, chị Trần Thị Hậu (26 tuổi), công nhân may tại Công ty CP May Sông Hồng 4 (Nam Định) dù nhiều lần thấy rất áp lực, thu nhập giảm do ít đơn hàng nhưng cũng không dám nghỉ việc sang công ty khác.

“Tôi đã dò hỏi nhiều công ty trong khu vực, nơi nào cũng thiếu đơn hàng, phải làm cầm cự chứ không tăng ca hay dư giả hàng để làm. Bây giờ mà nghỉ chưa chắc đã tìm được công việc tốt hơn mà còn mất 2 tháng thưởng Tết, xót lắm” - chị Hậu chia sẻ.

Mức lương cơ bản của chị Hậu từ tháng 11.2021 - lúc mới vào công ty đến nay vẫn giữ nguyên 3.854.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn quy định về lương tối thiểu vùng III tại Nam Định nên khó đề xuất tăng thêm.

Theo chị Hậu mức lương cơ bản này không ảnh hưởng nhiều vì thu nhập của chị tính theo sản lượng. Bây giờ công ty cũng khó khăn nên công nhân như chị phải đồng hành, khi nào kinh tế phát triển trở lại thì tính sau.

Về phía công ty, chị Hậu cho biết, công đoàn thường xuyên phát thông báo trên loa về tình hình kinh tế khó khăn mong công nhân thông cảm, cùng đồng hành với công ty. Bên cạnh đó, khi công ty quyết định cho công nhân nghỉ thứ 7, công đoàn cũng xin ban lãnh đạo công ty hỗ trợ 200.000 đồng/ngày thứ bảy.

Mức lương cơ bản của chị Hậu vẫn giữ nguyên sau gần 2 năm vào làm việc. Ảnh: NVCC.

“Khi con cái của công nhân ốm đau nằm viện, công đoàn đều trích quỹ động viên từ 200.000 đến 500.000 đồng tùy từng trường hợp. Các mã hàng được công đoàn vào cuộc vẫn giữ nguyên đơn giá ban đầu không bị hạ xuống như thông báo đợt đầu tháng 5 nên thu nhập không bị ảnh hưởng nhiều” - chị Hậu cho hay.

Sau khi tìm hiểu thị trường chung các công ty, chị Hậu quyết định trước mắt sẽ làm hết năm nay. Năm sau, nếu các nơi vẫn thường xuyên ít việc, nữ công nhân dự định xin nghỉ để mở tiệm spa gội đầu, nail, mi chứ không đi làm công ty nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn