MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thu nhập thấp, áp lực công việc lớn, nhiều giáo viên xin thôi việc

Chu Trang LDO | 21/03/2023 06:38
Gánh nặng "cơm áo gạo tiền" cộng với áp lực công việc ngày càng cao nên đã có nhiều giáo viên xin thôi việc trong năm qua.

Sức khỏe không đảm bảo, quãng đường di chuyển khá xa, lại đảm nhận 25 tiết dạy/tuần, sau gần 12 năm gắn bó với bục giảng, cô Nguyễn Thị Phương - Giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội - đã xin thôi việc. Quyết định này được cô đưa ra sau một thời gian dài suy nghĩ, trăn trở.

“Trước đây tôi từng có ý định nghỉ việc nhưng gia đình phản đối bởi “ nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” cũng như định kiến là phụ nữ thì chỉ cần một công việc ổn định” - cô Nguyễn Thị Phương nói.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Phương, thời điểm làm đơn xin nghỉ việc lương của cô được 5,3 triệu đồng/tháng. Trừ các loại phí BHXH, BHYT, BHTN mỗi tháng cô cầm về chưa đầy 5 triệu đồng. Với gia đình cô, lương cả hai vợ chồng rất khó để chăm lo cho hai đứa con ăn học.

Không chỉ chật vật với chuyện “cơm áo”, cô Nguyễn Thị Phương còn phải “chống đỡ” với rất nhiều mối lo khác.

“Giáo viên chúng tôi phải chịu nhiều sức ép từ các loại giấy tờ, sổ sách, họp hành, tập huấn hay áp lực thành tích và cả chương trình mới” - cô Nguyễn Thị Phương cho biết.

Cô Nguyễn Thị Phương thừa nhận, cô nghỉ việc chuyển sang làm kế toán - một công việc hoàn toàn khác, nhưng với mức thu nhập 8,5 triệu/tháng. Số tiền này tạm ổn để cô lo toan cho gia đình.

Cũng như cô Nguyễn Thị Phương, chị Thu Thủy (sinh năm 1999, quê Hải Dương) nghỉ việc sau 2 năm.

Tốt nghiệp đại học năm 2022, chị Thu Thủy không về quê mà đi dạy học ở một trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hai năm làm nghề, ngày nào chị cũng đi làm từ 6h30 sáng để kịp giờ đón trẻ vào lớp. Có ngày phụ huynh đến đón con muộn, 19h tối chị mới về đến nhà. Với chị Thu Thủy, công việc nào cũng có áp lực, nhưng với giáo viên mầm non, chị phải chịu áp lực từ nhiều phía.

Thu nhập 7 triệu đồng, trong đó 2 triệu đồng chị Thu Thủy trả tiền thuê trọ, 1 triệu đồng tiền xăng xe đi lại, 2 triệu đồng tiền chi phí sinh hoạt và trang trải cuộc sống.

Tổng số tiền chi tiêu hàng tháng của chị Thủy rơi vào khoảng 5 triệu đồng, còn lại 2 triệu đồng chị Thu Thủy gửi về quê cho bố mẹ. 

Thu nhập của giáo viên mầm non vẫn còn thấp. Ảnh minh hoạ: Chu Trang 

“Nhiều người thường lên án mỗi khi nghe nhà giáo than thở về lương, nhưng phải “có thực mới vực được đạo”. Để đưa ra được quyết định nghỉ việc thực sự rất khó khăn với tôi.

Hiện tại, tôi đang làm công việc khác với mức lương 11 triệu đồng/tháng, số tiền này đủ để tôi lo cho tôi và bố mẹ” - chị Thu Thủy cho hay.

Tâm sự với phóng viên, chị Nguyễn Thị Kim Anh (Hiệu trưởng một trường mầm non tại Hà Nội) cho biết, nghề giáo là một nghề rất áp lực. Giáo viên không những phải chịu áp lực trong ngành mà họ còn phải chịu áp lực từ ngoài ngành. Đó là từ phía phụ huynh học sinh và xã hội. 

“Giáo viên cần phải bảo đảm được đời sống tối thiểu mới an tâm làm nghề.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi nhà giáo và nhà trường cũng phải làm tốt công tác tư tưởng để sốc lại tinh thần, giúp giáo viên có năng lực ứng phó với những thách thức và khó khăn” - chị Nguyễn Thị Kim Anh nói.

Trong báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội gửi Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đã nhắc đến tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc do áp lực công việc và chế độ tiền lương. 

Do thu nhập thấp, áp lực công việc ngày càng cao, do nhu cầu cá nhân... nên có khoảng 1.030 giáo viên đã xin thôi việc, chuyển công tác sang các trường ngoài công lập hoặc công việc khác.

Cụ thể, năm 2021 nghỉ 472 giáo viên; năm 2022 nghỉ 558 giáo viên. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn