MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều giáo viên băn khoăn, tâm tư về cách tính lương mới có bỏ phụ cấp thâm niên. Ảnh: Huyên Nguyễn

Thu nhập theo lương mới giảm tới 3 triệu đồng, nhiều giáo viên băn khoăn

HUYÊN NGUYỄN LDO | 31/08/2020 08:47

Theo cách tính lương mới, những giáo viên lâu năm bị giảm thu nhập chứ không tăng, có người giảm đến 3 triệu đồng/tháng. Điều này khiến nhiều giáo viên tâm tư, lo lắng.

Mới đây, Bộ GDĐT đã nhận được câu hỏi của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Quảng Trị… truyền tải kiến nghị của cử tri về chế độ, thu nhập dành cho giáo viên.

Theo Điều 76, Luật Giáo dục 2019 quy định ngoài tiền lương theo hệ số ngạch, bậc thì giáo viên chỉ còn hưởng phụ cấp đặc thù của ngành, cắt phụ cấp thâm niên. Thu nhập có người giảm đến 3 triệu đồng/tháng.

Về điều này, Bộ GDĐT cho biết hiện tại, các chính sách về chế độ tiền lương của nhà giáo được thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ. Lương của nhà giáo được áp dụng theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học được áp dụng bảng lương của viên chức loại B (hệ số từ 1,86 đến 4,06); giáo viên THCS áp dụng bảng lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,10 đến 4,89); giáo viên THPT áp dụng bảng lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).

Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2020 quy định trình độ chuẩn của giáo viên mầm non là cao đẳng; tiểu học, THCS và THPT là đại học.

Theo đó, lương khởi điểm của giáo viên mầm non sẽ được áp dụng theo bảng lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,10 đến 4,89); giáo viên tiểu học, THCS và THPT được áp dụng theo bảng lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).

Như vậy, về áp dụng bảng lương mới, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS (theo trình độ chuẩn được đào tạo trong Luật Giáo dục 2019) đã có sự thay đổi đáng kể về hệ số lương khởi điểm và mức trần của hệ số lương.

Hiện Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ về chính sách tiền lương mới ngành Giáo dục, theo đó lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc và đặc thù nghề nghiệp và không thấp hơn mức lương hiện hưởng, mặc dù trong xây dựng chính sách tiền lương mới, nhà giáo không có bảng lương riêng và phụ cấp thâm niên như hiện nay.

Về thời gian thực hiện chính sách tiền lương mới, Bộ GDĐT cho biết từ ngày 1.7.2020, Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thi hành, tuy nhiên chính sách tiền lương mới chưa thực hiện.

Do đó, các chính sách tiền lương đối với nhà giáo (trong đó có phụ cấp thâm niên) sẽ tiếp tục được thực hiện theo quy định hiện hành cho đến khi có quy định mới của Chính phủ.

Liên quan đến ý kiến của cử tri cũng như một số các địa phương trong toàn quốc, Bộ GDĐT đã có công văn báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP cho đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (dự kiến thực hiện từ ngày 1.7.2022) theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn