MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thu phí ôtô vào trung tâm TPHCM - nên hay chưa?

Hiếu Lân LDO | 21/12/2016 12:33
Hà Nội đã từng dừng lại đề án thu phí xe ôtô vào trung tâm vì dư luận phản ứng. Mấy hôm nay, TPHCM đang đưa dự án tương tự ra lấy ý kiến và phản đối cũng nhiều không kém. Mục đích chính của đề xuất trên là giảm kẹt xe nhưng ôtô có phải là thủ phạm số một?
Theo đề xuất, dự kiến mức thu phí ôtô từ 40.000-60.000 đồng/lượt xe, không thu phí đối với xe buýt và xe công vụ. Chỉ thu phí chiều xe vào trung tâm. Xe từ trong ra không phải nộp phí. Những cư dân ở khu trung tâm có xe ra vào vẫn phải nộp phí. Vào sâu hay mới chạm “vạch" trung tâm cũng phải nộp phí. Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã họp với Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong, TPHCM - đơn vị đề xuất lập dự án thu phí ôtô vào trung tâm thành phố - để khởi động dự án này và dự tính triển khai trong năm 2017.

Cá nhân tôi luôn luôn ủng hộ những giải pháp giảm tải xe cộ và bớt ùn tắc giao thông cho cả Hà Nội lẫn TPHCM. Bình tĩnh nhìn nhận thì trước sau gì các thành phố lớn cũng phải thực hiện chuyện này, chỉ làm ra sao mà thôi. Nhưng tôi mong muốn, dù đề án nào thì cũng nên tính trước nhìn sau xem đã “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” chưa để đỡ “chết yểu” trong vòng xoáy dư luận. Thăm dò là cần thiết, tuy nhiên đem ra để thử không được lại rút vào thì rất khó cho các quyết sách khác.

Năm 2012, TPHCM tưởng chừng sẽ thực hiện dự án trên với hàng loạt động thái lấy ý kiến, tổ chức hội thảo và lựa chọn nhà đầu tư cùng hợp tác khá rầm rộ. Nhưng sang năm 2013, tất cả lui vào dĩ vãng, cho đến cuối tháng 12 này lại được đem ra bàn thảo. Tuy nhiên, những câu hỏi muôn năm cũ như: Có dám chắc là dân ngại đóng phí sẽ cuốc bộ vào trung tâm khi chưa có phương tiện thay thế hay không? Ai đảm bảo thu phí sẽ giảm tắc nghẽn? Căn cứ nào để khẳng định ôtô gây kẹt xe trung tâm? Đã đóng đủ loại thuế phí rồi tiền đâu đóng tiếp?... Vẫn chưa có trả lời thỏa đáng!

Một khi hạ tầng giao thông nội thành yếu kém như hiện nay, ý thức tham gia giao thông chưa cao, quy hoạch phát triển khu trung tâm bất cập… mà gánh nặng nhất lại đổ cho chủ xe thì xem ra hơi bất công. Từ 20 năm trước, rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo TPHCM đừng cho xây dựng lắm cao ốc như thế ở trung tâm thành phố nữa. Đáp lại là hiện nay chỗ nào xây được cao ốc, trung tâm thương mại ở Q1, Q3 là họ lèn chặt, mặc cho xe cộ tự tìm đường mà thoát. Kể cũng lạ, dồn mọi thứ vui chơi giải trí, giao dịch, buôn bán vào nội thành rồi lại tính đến chuyện hạn chế người ta vào đấy?! Làm thế thì thu phí xe ôtô chứ xe máy cũng chỉ giải quyết được phần ngọn.

Cũng từng ấy năm, xe buýt được đổ nhiều nghìn tỉ trợ giá nhưng đến giờ chủ yếu ai không đi được xe cá nhân mới leo lên đó. Còn Metro, nếu suôn sẻ, phải đến đầu năm 2020 mới có tuyến đầu tiên. Chẳng lẽ hạn chế hay cấm dần là chuyện của cơ quan quản lý, còn tiền đâu đóng phí hay đi bằng cái gì là chuyện của người dân? Tôi tin là cái gì chưa hợp cả lý lẫn tình rất khó thực thi thành công trong thực tế.

Đừng bảo rằng 40.000 - 60.000 đồng/ lượt chẳng là bao so với giá ôtô vài trăm triệu đồng. Giờ xe hơi đâu còn là biểu tượng của nhà giàu nữa khi mà biết bao người mua trả góp, xem đó như xe máy chục năm trước và thu nhập vừa đủ sống, trả nợ? Cứ thử nhân với 20-24 ngày làm việc đi, tiền triệu đấy các vị ạ! Người dân rất cần đường thông hè thoáng nhưng họ cần hơn những điều công bằng, hợp lý và phù hợp với hiện tại.

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn