MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu phí vào nội đô nhằm hạn chế ùn tắc giao thông. Ảnh minh họa Phạm Đông

Thu phí vào nội đô có hạn chế được ùn tắc giao thông?

Minh Hạnh LDO | 24/01/2023 11:01
Theo các chuyên gia giao thông, để hạn chế ôtô cá nhân, giảm ùn tắc giao thông khu vưc nội đô Hà Nội việc thu phí phương tiện ý tưởng hay. Nhưng cần phải tính toán, cân nhắc hợp lý để nhận được sự đồng thuận của người dân.

Nhằm giảm phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông khu vực nội thành Hà Nội, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội và Trung tâm Tư vấn phát triển Giao thông Vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải) đã trình đề án thí điểm về "Thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông". Nếu được TP. Hà Nội chấp thuận đề án sẽ có thể được thí điểm thực hiện vào năm 2024.

Ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Ảnh Hữu Chánh

Theo nội dung đề án, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ thiết lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ôtô vào nội đô (phương án trước đây là 87 trạm). Mức thu phí được xác định tối thiểu là 50.000 đồng và tối đa là 100.000 đồng/lượt xe ôtô.

Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là từ 5 giờ đến 21 giờ hàng ngày. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỉ đồng. Được thực hiện theo 3 giai đoạn, tại giai đoạn thí điểm (từ 2024 - 2025) sẽ lắp 15 trạm thu phí trên các trục đường có nguy cơ ùn tắc, sẽ báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm, làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và 3, mở rộng vùng thu phí ôtô.

Các chuyên gia cho rằng đây là ý tưởng tốt nhưng quan trọng nhất là việc tổ chức thực hiện và thời điểm triển khai sao cho hợp lý. Theo chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy, trên thực tế Hà Nội chỉ có khoảng 10% người dân sử dụng phương tiện công cộng, còn đến 90% sử dụng phương tiện cá nhân (ôtô, xe máy, xe máy điện...). Trong khi đó, mạng lưới đường sắt đô thị chưa đồng bộ, hiện chỉ có duy nhất tuyến Cát Linh - Hà Đông đang khai thác; xe buýt thì di chuyển chậm, không đúng giờ, một phần do ùn tắc vào giờ cao điểm, một phần do hạ tầng giao thông chưa tốt (diện tích cho giao thông đô thị mới chiếm 7 - 8%, trong khi yêu cầu từ 20 - 25%...).

Tuy nhiên ông Thủy cũng cho rằng, không thể cưỡng ép người dân từ bỏ phương tiện cá nhân trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại. Điều này còn có thể tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, để giải quyết việc ùn tắc giao thông Hà Nội cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tại các cửa ngõ, các ngã tư sao cho thông thoáng; đường dẫn lên, xuống cầu phải bố trí khoa học; phát triển giao thông công cộng hợp lý, thuận tiện để người dân tự giác lựa chọn phương tiện thay thế; ứng dụng tổ chức giao thông thông minh; Nâng cao vai trò quy hoạch kiến trúc đô thị với tầm nhìn dài hạn...

Theo GS. TS. Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, cần phải tính toán thật kỹ lưỡng, bài bản và chọn thời điểm, phạm vi áp dụng hợp lý, khoa học.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu phí ôtô vào nội đô chỉ là một trong nhiều giải pháp để giảm ùn tắc giao thông, do đó phải có các giải pháp đồng bộ, có lộ trình cụ thể. Khi mạng lưới, hệ thống phương tiện công cộng phát triển tốt, người dân sẽ tự hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân mà không cần cấm hay thu phí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn