MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương. Ảnh: LDO

Thưa TS Đoàn Hương, "đám quần chúng" ấy có nhiều nhà trí thức đáng trân trọng

ĐĂNG TRUNG LDO | 01/12/2017 07:00

Về ý tưởng cải cách chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền, ngày 28.11, trong chương trình “Café Sáng” trên VTV, TS Đoàn Hương phát biểu: “Khi một ý tưởng mới ra đời, trước hết phải suy ngẫm, nhìn nhận nó bằng con mắt khoa học, đây là một công trình khoa học cho nên phải có ý kiến của các nhà khoa học chứ không phải là đám quần chúng không hiểu gì cứ ào ào vào ném đá…”.

Phát ngôn của TS Đoàn Hương bị phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt với cách diễn đạt “đám quần chúng không hiểu gì”. Nhiều người cho rằng đó là thái độ thiếu tôn trọng mọi người.  

Thiết nghĩ, cách diễn đạt “đám quần chúng” có thể thông cảm, vì đây là cách nói khẩu ngữ, nôm na trong giao tiếp, khác với văn viết mới có điều kiện trau chuốt, chỉnh chu hơn.

Điều đáng quan tâm là TS Đoàn Hương cho rằng quần chúng “không hiểu gì” về ý tưởng cải cách chữ viết, vì không có kiến thức chuyên môn như các nhà khoa học.

Vấn đề này cần được nhìn nhận một cách khách quan, đầy đủ hơn. Trong cái “đám quần chúng” như cách diễn đạt của TS Đoàn Hương, có nhiều nhà ngôn ngữ học, văn hóa học, nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu, chính khách, nhiều tầng lớp xã hội…Và trình độ của họ, kể cả về ngôn ngữ, văn hóa và các lĩnh vực khác, đều rất cao.

Đằng sau những thái độ thiếu kiềm chế của những người phản đối ý tưởng của PGS.TS Bùi Hiền, là sự lo lắng, trăn trở, trách nhiệm của mỗi công dân đối với ngôn ngữ quốc gia, là tình yêu văn hóa của dân tộc.

Vì vậy, nếu như TS Đoàn Hương yêu cầu phải có sự trân trọng đối với “ý tưởng mới” của PGS.TS Bùi Hiền, thì thiết nghĩ cũng nên có thái độ tương tự đối với các ý kiến phản biện. 

Mặt khác, như giới chuyên môn đã nhận định, những phát hiện và ý tưởng của PGS.TS Bùi Hiền hoàn toàn không mới, và không có giá trị thực tiễn, chưa nói còn quá nhiều mâu thuẫn, bất cập và vô lý, thiếu khoa học. Thực chất, ông Bùi Hiền tiếp tục đi trên con đường người khác đã khai phá (và đã từ bỏ).  

Về ý kiến coi ý tưởng của ông Bùi Hiền là “công trình khoa học”, nhiều chuyên gia đã chỉ ra sự nhầm lẫn trong quan niệm coi việc cải tiến chữ viết với phát minh khoa học, với sự cải tiến công cụ, phương tiện lao động, hay các vật dụng khác.  

Đành rằng, chữ viết cũng là một công cụ, phương tiện giao tiếp, nhưng cần hiểu rõ, chữ viết còn là một di sản, loại hình văn hóa, một khế ước xã hội, đã gắn liền với lịch sử, văn hóa, tâm hồn dân tộc, cộng đồng. Nếu như công cụ, phương tiện lao động, sinh hoạt càng hiện đại, tiện lợi, càng mới càng tốt; thì yêu cầu quan trọng nhất của chữ viết là sự ổn định, thống nhất.  

Nếu không phản biện được điều này, thì chúng ta sẽ rơi vào “cái bẫy” của logic hình thức, tự tạo ra những rắc rối và những hệ lụy không đáng có.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn