MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thực hư chuyện bỏ tiền "chạy" chứng chỉ hành nghề y tế tại Đắk Lắk

Hữu Long LDO | 09/06/2020 09:48

Ngành y tế Đắk Lắk phát hiện hàng loạt trường hợp bỏ hàng trăm triệu đồng mua chứng chỉ hành nghề y tế.

Ngày 9.6, nguồn tin Báo Lao Động cho biết, Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk vừa phát hiện 4 trường hợp đang công tác ngành y ở các tỉnh khác đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (BVĐK Tây Nguyên) thực tập “chui” để được cấp chứng chỉ hành nghề ngành y.

Trước đó trong tháng 3, Sở Y tế có kết luận kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với công tác xác nhận thời gian thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề tại BVĐK Vùng Tây Nguyên.

Kết luận thanh tra thể hiện, qua mạng xã hội, ông Huỳnh Văn Bình (SN 1985) liên hệ với một người phụ nữ tên Ý (TP. Hồ Chí Minh) để nhờ người này hỗ trợ làm thêm chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ viện).

Người phụ nữ này trả lời có thể làm được. Theo đó, người này hướng dẫn ông Bình gặp bà Lê Thị Ánh Hồng (người tự xưng là bác sĩ chuyên khoa Da liễu, trú TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

BVĐK Tây Nguyên đã hợp thức hóa hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề cho nhiều cá nhân. Ảnh: Hữu Long

Qua trao đổi, bà Hồng cho ông Bình xem một số trường hợp, bà đã làm thành công... Giá chứng chỉ hành nghề của ông Bình được bao trọn gói 220 triệu đồng. Số tiền này được chuyển 3 lần vào tài khoản của bà Hồng.

Bà Hồng sau đó đưa ông Bình đến Phòng tổ chức cán bộ (BVĐK Tây Nguyên) bổ sung hồ sơ, nhận quyết định tiếp nhận và phân công người hướng dẫn thực hành tại khoa Chấn thương chỉnh hình do bác sĩ Nguyễn Đại Phong – Giám đốc bệnh viện ký.

Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk xác định, ông Bình chỉ có mặt ở bệnh viện khoảng 1 tháng (tháng 7.2018), trong khi đó quy định phải 18 tháng mới đủ điều kiện.

Ngoài trường hợp của ông Bình, Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk còn phát hiện thêm 3 người khác gian dối khi làm hồ sơ thực hành tại BVĐK Tây Nguyên để được Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề.

Các trường hợp này gồm có ông Hứa Chí Cường (SN 1982); ông Lê Anh Tài (SN 1978); và ông Huỳnh Thanh Giàu (SN 1976).

Ông Cường, Tài và Giàu, đều có hình thức mua chứng chỉ với giá 300 triệu đồng.

Trong kết luận Thanh tra, Sở Y tế phân tích, theo quy định, tất những trường hợp này phải thực hành thêm một bệnh viện liên quan (bệnh viện thẩm mĩ-PV), nhưng cả 4 trường hợp đều không làm.

Trong số này, ông Lê Anh Tài không hợp tác, không giao nộp lại chứng chỉ hành nghề. Các trường hợp khác đã trả lại.

Theo một lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk, 4 trường hợp nói trên đang công tác ở các tỉnh phía Nam.

Trước đó, họ đã liên hệ qua điện thoại, làm hồ sơ và đưa tiền ở quán cà phê ở TP. Hồ Chính Minh.

“Hiện nay, Sở Y tế đã thu hồi các chứng chỉ hành nghề trái quy định và thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử; và thông báo cho Sở Y tế các tỉnh để có các biện pháp ngăn ngừa” – vị lãnh đạo này thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn