MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa còn gặp nhiều hạn chế, bất cập. Ảnh: Nhật Minh

Thực trạng tuyến BRT ở Hà Nội trước khi được thay thế

Nhật Minh LDO | 18/04/2024 08:58

Dù có mức đầu tư hơn 1 nghìn tỉ đồng, nhưng sau nhiều năm hoạt động, tuyến xe buýt BRT Kim Mã - Yên Nghĩa vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng về giảm thiểu ùn tắc. Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có đề xuất thay thế tuyến buýt nhanh BRT bằng đường sắt đô thị.

8h sáng, anh Trịnh Minh Quân (24 tuổi, Thanh Xuân) có mặt tại nhà chờ xe buýt BRT Hoàng Đạo Thuý để đợi xe, di chuyển tới nơi làm việc. Anh Minh Quân cho biết đã sử dụng xe buýt BRT làm phương tiện di chuyển tới trường học và công ty suốt 4 năm nay.

“Xe buýt BRT có hệ thống tiện nghi hiện đại, đầy đủ, bên cạnh đó chi phí di chuyển phù hợp nên mình sử dụng loại xe này để đi học, đi làm mỗi ngày” - anh Minh Quân cho hay.

Tuy nhiên, anh Minh Quân cho rằng, vào những giờ cao điểm, loại xe này thường di chuyển khó khăn, có tốc độ tương đương với các loại xe buýt thông thường. Điều này khiến bạn gặp nhiều bất cập trong việc di chuyển, không chủ động được thời gian.

“Nếu bình thường, mình mất 15 - 20 phút để di chuyển bằng xe buýt BRT từ nhà tới công ty thì giờ cao điểm có thể mất cả tiếng đồng hồ” - anh Minh Quân cho biết.

Từng nhiều lần trải nghiệm xe buýt BRT, bạn Lê Chiến Thắng (19 tuổi, Ba Đình) cho biết, dù xe buýt BRT được phân làn riêng để di chuyển thuận tiện, dễ dàng hơn nhưng vào giờ cao điểm, làn đường riêng này bỗng trở thành làn đường hỗn hợp.

“Vào giờ cao điểm, hàng loạt xe máy lấn sang làn đường riêng cho xe buýt gây cản trở giao thông, xe buýt di chuyển khó khăn” - bạn Thắng chia sẻ.

Ngoài ra, bạn Thắng đồng tình và ủng hộ phương án thay thế tuyến xe buýt BRT bằng đường sắt đô thị. “Tôi thấy dọc tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa có nhiều nút giao, chỗ quay đầu nên xe buýt còn gặp nhiều bất cập khi đi qua đây” - bạn Thắng nói.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường (56 tuổi, quận Thanh Xuân), việc thay thế tuyến xe buýt BRT bằng đường sắt đô thị là phù hợp với tình hình giao thông hiện tại nhưng cần xem xét về chi phí và tính tiện lợi cho người sử dụng.

“Tôi thấy rằng, việc di chuyển những quãng đường ngắn thì xe buýt BRT có nhiều điểm thuận lợi hơn bởi lượng nhà chờ xe được trải đều dọc tuyến đường” - bà Hường nói.

Theo ghi nhận của Báo Lao Động ngày 17.4, dọc làn đường dành riêng cho xe buýt BRT thường xuyên xảy ra tình trạng lấn làn, gây cản trở giao thông. Vào giờ cao điểm buổi sáng, hàng loạt xe máy đi vào làn đường dành cho xe buýt để tránh ùn tắc, tiết kiệm thời gian, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro giao thông.

Nhiều xe máy đi sang làn đường cho xe buýt BRT để tránh ùn tắc, tiết kiệm thời gian. Ảnh: Nhật Minh
Dù được lắp đặt rào chắn, song, hàng loạt phương tiện vẫn bất chấp đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt gây cản trở giao thông. Ảnh: Nhật Minh
Nhiều loại phương tiện lấn chiếm làn đường cho xe buýt BRT. Ảnh: Nhật Minh

Các nhà chờ xe buýt dọc tuyến đường đều có hệ thống tiện nghi đầy đủ, hiện đại, đem lại trải nghiệm tốt cho du khách. Tại các điểm dừng xe có hệ thống cầu vượt, đèn tín hiệu cho người qua đường an toàn, thuận tiện.

Các nhà chờ xe BRT có hệ thống tiện nghi đầy đủ để phục vụ du khách. Ảnh: Nhật Minh

Vào giờ cao điểm sáng, các nhà chờ xe thường có lượng khách lớn, tuy nhiên, số lượng giảm dần về buổi trưa.

Vào giờ cao điểm sáng, hàng dài người chờ xe buýt tại nhà chờ xe Thành Công. Ảnh: Nhật Minh

Tuyến xe buýt BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được phê duyệt từ năm 2007 với tổng mức đầu tư 55 triệu USD, tương đương với 1.100 tỉ đồng. Tháng 12.2016, tuyến xe buýt dài 14,77 km được đi vào hoạt động theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ.

Ngày 15.4 vừa qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, do hạn chế hạ tầng, tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ được thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 11 trong tương lai.

Cũng theo ông Tuấn, BRT là tiền đề để chuẩn bị cho đường sắt đô thị. Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2016 thành phố có 8 tuyến BRT nhưng hiện nay mới làm được 1 và còn gặp nhiều hạn chế, bất cập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn