MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Hiếu cho rằng sinh viên không nên cọc tiền trước khi đến tận nơi xem phòng. Ảnh: Thu Thuỷ.

Thuê phải chung cư mini “ảo”, sinh viên mất oan phí cọc phòng

THU THUỶ LDO | 14/09/2023 06:16

Mỗi mùa nhập học, nhu cầu sinh viên tìm phòng tăng, khiến giá phòng cũng bị “thổi phồng” theo. Ngay cả phòng trọ với phân khúc giá cao hơn như chung cư mini cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, lừa đảo.

“Bẫy" nhượng phòng

Là sinh viên năm ba Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chị Trần Khánh Linh, quê Thái Nguyên quay trở lại Hà Nội sau 1 tháng nghỉ hè. Theo chị Linh, chủ nhà tăng giá tiền phòng lên 4 triệu đồng/tháng, chênh 500 nghìn đồng so với các tháng trước đó.

Khu vực quận Cầu Giấy, Hà Nội - nơi tập trung nhiều trường đại học, số lượng phòng còn trống khá ít nên chị Linh loay hoay tìm phòng gấp trên các hội nhóm Facebook, tham khảo bạn bè để kịp có chỗ ở phù hợp với khả năng chi trả hơn.

“Thông qua lời giới thiệu của một người bạn, tôi đã đến xem phòng trực tiếp, chốt cọc ngay hôm đó và đã chuyển vào ở từ đầu tháng 9 vừa rồi”, chị Linh bộc bạch.

Đáng nói, so với khoảng 2 năm trước đây, giá phòng của chung cư mini mới đi vào hoạt động chỉ khoảng 3 - 3,5 triệu/phòng/tháng với diện tích 25m2. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nếu muốn ở căn phòng có nội thất mới, vệ sinh khép kín, có ban công, thang máy, sinh viên sẽ phải bỏ ra số tiền không dưới 4,5 triệu/tháng kèm nhiều phí dịch vụ khác như vệ sinh, Internet, duy trì thang máy…

Chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm phòng, chị Trần Thị Phương (tên nhân vật đã thay đổi, SN 2002, Bắc Giang) hiện đang học Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường từng bị lừa mất cọc phòng hồi năm nhất.

Không hiếm gặp các bài đăng cảnh báo tình trạng lừa đảo khi đi thuê chung cư mini. Ảnh: Chụp màn hình.

Nữ sinh kể lại, khi mới “chân ướt, chân ráo” ra Thủ đô nhập học, chị cùng một người bạn chủ động tìm phòng chung cư mini để ổn định cuộc sống xa nhà. Tham khảo trên các hội nhóm Facebook, chị Phương tìm được một căn phòng ưng ý giá khoảng 3,6 - 3,8 triệu/tháng, gần Trường Đại học Thương mại và đã liên hệ với người nhượng phòng đó.

Qua quá trình trao đổi nhắn tin, lợi dụng việc nữ sinh này cần tìm phòng gấp, đối tượng lừa đảo đã nắm tâm lý của nạn nhân và yêu cầu chị Phương chuyển trước 1 triệu đồng tiền cọc để giữ phòng. Số tiền còn lại, chị Phương có thể thanh toán sau.

“Sau đó, dù tôi đã chuyển tiền cọc giữ chỗ, nhưng vẫn thấy người nhượng phòng trả lời các bình luận trên bài đăng đó. Tôi có nhắn tin hỏi thì người này chặn tôi luôn. Lúc đấy, tôi mới biết bản thân đã bị lừa”, chị Phương bức xúc kể lại.

Cảnh giác với “cò” phòng

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Phí Hồng Vân - chủ một chung cư mini tại Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm cho biết, chị sinh sống với gia đình nhà bên cạnh. Toà chung cư mini chị cho thuê là nhà chính chủ nên không có chuyện môi giới đến “chào mời” sinh viên.

Đặc biệt, chị Vân không đăng hình phòng rầm rộ trên hội nhóm Facebook, chủ yếu là các bạn sinh viên học gần đây tự tìm đến xem phòng trực tiếp.

Theo chị Vân, sinh viên nên đến khảo sát trực tiếp các phòng trọ. Ảnh: Thu Thuỷ.

“Các bạn sinh viên nên dành thời gian khảo sát trực tiếp các phòng xung quanh trường đang theo học, thay vì chỉ nhắn tin qua mạng với những người chưa từng gặp bao giờ để tránh mất tiền oan”, chị Vân chia sẻ.

Là chủ một toà chung cư mini tại ngõ 157 Chùa Láng, Quận Đống Đa, anh Hoàng Mạnh Hiếu (SN 1993, Hà Nội) cũng đồng tình quan điểm trên. Anh Hiếu cho biết, các phòng đã kín người, chủ yếu là các bạn sinh viên Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội và Đại học Giao thông Vận tải.

Khoảng 2 năm trước, khi mới cho thuê, anh Hiếu có đăng quảng cáo trên các hội nhóm. Tuy nhiên, chỉ 1 năm trở lại đây, đa số các bạn sinh viên tự chia sẻ cho nhau và đến tận nơi xem phòng, nếu ưng ý mới cọc phòng và dọn vào ở.

“Các bạn mới ra Hà Nội nhập học nên tranh thủ đi xem phòng trước đó khoảng 1 tháng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn cũng như tránh bị lợi dụng tâm lý. Nếu có thể, các bạn nên đi cùng phụ huynh đến xem phòng, chốt giá để tránh “tiền mất, tật mang” như nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra”, anh Hiếu nhắn nhủ tới tân sinh viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn