MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thuế xe ôm công nghệ 10%: Tài xế gửi tâm thư, nêu lên 4 lý lẽ để phản đối

Bảo Hân LDO | 05/12/2020 12:02
Trước thông tin về thuế xe ôm công nghệ 10%, theo đó, lái xe công nghệ ngoài chi phí phải trả cho sử dụng ứng dụng còn phải trả thêm 10% thuế VAT được tính trên doanh thu mỗi lần hoàn thành đơn giao hàng cho khách hàng, một tài xế xe ôm công nghệ đã gửi “tâm thư” về vấn đề này.

Bức tâm thư này được gửi qua Fanpage của Công đoàn Việt Nam.

Theo thư, tài xế công nghệ này cho biết, trước thông tin theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP, lái xe công nghệ ngoài chi phí phải trả cho sử dụng ứng dụng còn phải trả thêm 10% thuế VAT được tính trên doanh thu mỗi lần hoàn thành đơn giao hàng cho khách hàng, tài xế Grab này cho biết, là công dân Việt Nam, anh hoàn toàn ủng hộ chính sách của nhà nước về nghĩa vụ và trách nhiệm nộp thuế đối với bất kì cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh trên đất nước Việt Nam để đảm bảo tính công bằng cho các nghành nghề kinh tế và phát triển kinh tế hạ tầng, xây dựng đất nước giàu đẹp – văn minh.

Tuy nhiên, tài xế này phản đối việc áp thuế lên các cá nhân là lái xe công nghệ thuộc sự quản lý và giám sát của các công ty công nghệ vì các lẽ sau:

- Lái xe công nghệ có thu nhập thấp, thậm chí không lương, không có bảo hiểm lương hưu, y tế

- Lái xe công nghệ không thuộc đối tượng phải chịu thuế VAT theo Luật số 13/2008/QH12 Luật Thuế giá trị gia tăng

- Lái xe công nghệ tự dùng nguồn tài chính của mình để mua xe để làm công cụ cho công việc của mình; đồng thời cũng đã phải nộp thuế VAT, lệ phí trước bạ….

- Thêm nữa lái xe công nghệ cũng hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân với những công nhân có doanh thu trên 100 triệu/năm (cái này còn chưa kể trừ chi phí đi thì chẳng còn thu nhập là bao).

Tài xế Grab này cho biết, anh cùng những đồng nghiệp khác là một bộ phận lao động của xã hội giúp cho các chuyến hàng và vận chuyển con người được thuận tiện hơn, góp phần vào hệ thống giao vận, giao thương giữa các thành phần kinh tế được bảo đảm, an toàn và nhanh chóng, giúp cho phân công lao động xã hội hiệu quả hơn, thúc đẩy nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài…

Nhưng với đặc thù và tính chất công việc lái xe công nghệ có rất nhiều trở ngại, rủi ro, khó khăn để đảm bảo cuộc sống về lâu dài:

- Rủi ro về tai nạn giao thông cao hơn các nghành nghề khác. Các va chạm giao thông có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và tính mạng

- Ảnh hưởng rất lớn về sức khoẻ: Hít bụi và hít các loại khí ô nhiễm hàng ngày, ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp; tay chân bị tê vì ít hoạt động, dẫn đến phù nề, đau khớp, đau lưng, dễ ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá vì vệ sinh chân tay miệng kém, ăn uống không đủ chất, vì tính chất và môi trường làm việc và còn nhiều các loại bệnh khác có thể xảy đến với công nhân lái xe công nghệ.

- Cường độ thời gian làm việc quá thời gian lao động quá nhiều thường là từ 10 tiếng đến 12 tiếng

- Thu nhập sau khi trừ các chi phí hoạt động không cao, thuộc thành phần thu nhập thấp của xã hội...

“Tôi liệt kê các rủi ro kể trên để chúng ta thấy rằng, nếu không có sự quản lý và quan tâm của nhà nước thì sẽ có một bộ phận tầng lớp trung niên nhưng đã bị vắt kiệt về sức khoẻ, mất khả năng lao động sớm tạo nên một gánh nặng không nhỏ cho đất nước”- tài xế này cảnh báo.

Vì vậy, tài xế xe ôm công nghệ này mong muốn sẽ bãi bỏ thuế VAT cho tài xế công nghệ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn