MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa

Thuốc đặc trị “biến tướng” quà Tết

TÚ NGUYÊN LDO | 01/12/2016 08:48
Quà Tết vốn là nét văn hóa truyền thống của dân tộc thể hiện tình đoàn kết, sự quan tâm nhau từ trong gia đình, thân tộc họ hàng đến mối quan hệ ngoài xã hội mỗi dịp xuân về Tết đến.    

Hành vi biểu lộ tình cảm rất đáng trân quý khi tặng nhau giỏ quà, nhánh mai, cuốn sách, câu đối, bánh tét, bánh chưng... Giá trị quà Tết là tự nguyện và chân thành, không cần phải đắt tiền; nhưng qua đó quà mang ý nghĩa gửi gắm lời cảm ơn chân thành, tình yêu thương tốt đẹp nhất. Người tặng và người nhận cảm thấy có sự trân trọng, lịch thiệp.

Ý nghĩa quà Tết là như thế, nhưng ngày nay quà Tết đã bị "biến tướng" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quà không còn tự nguyện theo nguyên nghĩa chủ quan, chịu nhiều áp lực từ nhiều phía: Kinh tế, chính trị, văn hóa; từ đó mới nảy sinh “biến tướng”. Không ít người lợi dụng quà Tết để đạt một mục đích nào đó. Quà Tết trở thành những món quà tham nhũng, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền một cách công khai, hợp pháp khi xuân về Tết đến.

Năm nào cũng vậy, để triển khai ý kiến chỉ đạo chấn chỉnh, công văn, thông tư từ bộ này đến bộ khác, từ tỉnh này đến tỉnh khác được ban hành và quán triệt; nhưng xem ra tình hình “biến tướng” quà Tết vẫn không như mong muốn của lãnh đạo.

Vừa qua, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này. Được nghe qua phát biểu của Thủ tướng, tôi ghi nhận một số ý.

Trước hết, ý kiến của Thủ tướng ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa từ các cơ quan trung ương tới địa phương, không có yếu tố “ngoại trừ” khi ông nói: “Toàn thể hệ thống hành chính” và rất rõ ràng cụ thể “Không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, phong bao, phong bì”.

Thứ đến là phong cách lãnh đạo, chỉ đạo. Theo dõi nhiều ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng qua nhiều vấn đề tôi thấy lúc nào Thủ tướng cũng “lấy bản thân” làm gương trước để “thượng chính thì hạ nghiêm” cho thuộc cấp, khi nói: “Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy, cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.

Quyết tâm của Thủ tướng đã rõ, nhưng căn bệnh trầm kha có từ thâm căn cố đế không phải dễ trị nếu không có một thứ thuốc đặc trị gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan bằng một cơ sở pháp lý.  

Thiết nghĩ, để việc thực hiện chỉ thị Thủ tướng mang lại hiệu quả cao, từng cơ quan bộ, ngành từ trung ương tới địa phương phải thể hiện sự quyết tâm bằng những hành động cụ thể ngay từ hôm nay. Nên chăng, mỗi cơ quan trong “toàn thể hệ thống hành chính” phải thực hiện một bản cam kết với nội dung ngắn gọn cụ thể: Không chúc Tết và không nhận chúc Tết bao gồm cả quà biếu, phong bao, phong bì và chính thủ trưởng cam kết chịu trách nhiệm nếu để cơ quan mình có người không thực hiện đúng. Tại sao không?

Kinh nghiệm cho thấy, ngay cả việc thực hiện Chỉ thị số 406-TTG về việc “Cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo” do Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ban hành năm 1994, những tưởng khi thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn vì liên quan tới một tập tục có từ lâu đời trong dân gian, nhưng kết quả sau đó lại rất khả quan. Hôm nay, với quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, của các cơ quan ban ngành từ trung ương tới địa phương và nhất là được sự đồng tình của người dân, tôi nghĩ kinh nghiệm việc cấm đốt pháo năm 1994 nếu đem ra áp dụng cho “ biến tướng” quà Tết vẫn còn nguyên giá trị. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn