MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các điều kiện đối với bệnh nhân mua thuốc Molnupiravir được thông báo trước hiệu thuốc. Ảnh: Ngọc Lê.

Thuốc điều trị COVID-19: Bán đúng đối tượng, song tránh để F0 phải ra đường

Thế Lâm LDO | 27/02/2022 16:00
Những ngày qua sau khi thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất Molnupiravir do Việt Nam sản xuất được chính thức bán ra thị trường, nhiều người dân xếp hàng trước các hiệu thuốc chờ mua, nhưng không ít người phải về tay trắng.

Nguyên nhân, thuốc điều trị COVID-19 là thuốc kê đơn, bán theo toa hay chỉ định của bác sĩ, cơ sở y tế, và đây cũng chính là điều kiện được mua thuốc: hoặc là có toa, chỉ định của bác sĩ; hoặc có kết quả xét nghiệm F0, chứng nhận F0 của cơ sở y tế.

Theo một đại diện chuỗi thuốc FPT Long Châu, những ngày qua Cục Quản lý Dược vẫn chưa có hướng dẫn về việc phân phối thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất Molnupiravir do Việt Nam sản xuất đến người dân. Chuỗi này đang bán ra theo các quy định đối với thuốc kê đơn, hay còn gọi là chuẩn RX. Người mua phải có toa/đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc kết quả xét nghiệm dương tính virus SARS-CoV-2 của cơ sở y tế, và phải hiện diện tại nhà thuốc để mua.

Tuy nhiên trên thực tế, việc yêu cần F0 có mặt tại nhà thuốc mới được bán cho là khó khả thi. Nhiều trường hợp nhờ người quen mang giấy xét nghiệm dương tính đến hiệu thuốc Long Châu vẫn được giải quyết bán thuốc cho, sau khi bán nhân viên đóng mộc nhà thuốc lên phiếu kết quả xét nghiệm để đánh dấu.

Tuy nhiên, vấn đề bất cập và vướng mắc nằm ở chỗ làm sao để F0 lấy được chứng nhận F0, giấy kết quả xét nghiệm hợp lệ (từ cơ sở y tế), hay toa thuốc theo chỉ định của bác sĩ?

Theo lẽ thường, để có được các xác nhận, toa thuốc đạt điều kiện như trên, F0 phải ra khỏi nhà đến phòng khám của bác sĩ hay cơ sở y tế, vô hình chung tiềm ẩn nguy cơ có thể lây bệnh cho người khác.

Chị Tuyết, một F0 triệu chứng nhẹ ở Quận 4 (TPHCM) cho biết đã gọi đến dịch vụ xét nghiệm tại nhà Diag, nhưng dịch vụ báo đã đầy khách cả ngày hôm sau, nếu chờ đợi thì chị sợ rằng không kịp thời có thuốc để điều trị.

Trong tình huống như vậy, chị Tuyết cảm thấy sốt ruột muốn được kịp thời hỗ trợ điều trị tại nhà, đặc biệt là về thuốc men. Và điều quan trọng nhất lúc đó, là cần được đơn vị y tế ở cơ sở kịp thời hướng dẫn, chứng nhận các điều kiện để tạo điều kiện thuận tiện cho F0 mua các loại thuốc điều trị tại nhà.

“Nếu các F0 triệu chứng nhẹ được hỗ trợ tốt ngay tại nhà thay vì phải đi đến nơi này nơi kia thăm khám, xét nghiệm, càng giúp tránh được nguy cơ lây lan bệnh cho người khác”, chị Tuyết bày tỏ.

Tuy nhiên trong trường hợp này, lại cần có hướng dẫn của cơ quan y tế về việc bán thuốc cho F0 từ xa thông qua hình chụp giấy xét nghiệm hay toa thuốc gửi qua ứng dụng (hiệu thuốc có shipper giao thuốc tận nhà), bán cho người đi mua giúp (cầm theo đơn, giấy xét nghiệm)… Nếu không, những sự linh hoạt như thế lại trở thành “vượt rào” vi phạm, và có thể bị ăn phạt.

Trong một cuộc họp báo gần đây, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM – cho biết, cơ quan này cũng đang chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế về việc bán thuốc kháng virus Molnupiravir.

Như vậy, để giải quyết những tình huống linh hoạt nhưng vẫn phải bảo đảm thuốc Molnupiravir được bán cho đúng đối tượng cần điều trị, theo đúng toa thuốc và chỉ định của bác sĩ, cả cơ quan quản lý y tế địa phương và các chuỗi nhà thuốc đều đang chờ hướng dẫn của Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn