MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đã có kinh nghiệm làm việc trong ngành bất động sản, chị Thắm dễ dàng nhận được lời mời làm việc từ các công ty khác. Ảnh: Hồng Thắm

Thưởng Tết là khoản tiền níu chân người lao động đang chán việc

LƯƠNG HẠNH LDO | 27/12/2022 11:21

Nhận được nhiều lời mời gọi làm việc từ các công ty khác nhưng nhiều người lao động vẫn quyết định bám trụ lại công ty. Nếu "nhảy" việc trong thời gian này, họ sẽ mất khoản thưởng Tết hằng mong đợi.

Mong đợi tháng lương thứ 13, chị Hồng Thắm (Hà Nam) cố bám trụ công việc tại một văn phòng bất động sản và từ chối lời mời gọi từ các công ty khác.

Từ tháng 9, lương của chị Thắm bị giữ lại một phần, tương đương 2-3 triệu đồng/tháng. Cấp trên giải thích đây là khoản tiền "để dành cho đợt thưởng Tết". Điều này có nghĩa nếu nữ nhân viên văn phòng nghỉ việc ở thời điểm hiện tại, chị sẽ mất trắng số tiền thưởng và cả phần lương "được cầm giúp".

Quý cuối năm, nhiều công ty có nhiều dự án hơn, áp lực công việc khiến chị Thắm càng chán nản, không ít lần tính đến chuyện nghỉ việc. Nhưng nghĩ đến khoản tiền thưởng, vốn bao gồm cả lương tháng của mình, chị lại chùn bước.

"Bây giờ sang làm việc công ty mới sẽ phải thử việc ít nhất 1 tháng, hưởng 80-85% mức lương và chắc chắn không có thưởng Tết. Tôi sẽ làm đến hết năm, lấy được tiền thưởng rồi tính tiếp" - chị Thắm nói.

Tương tự anh Đức Nghĩa (Hoàng Mai, Hà Nội) - nhân viên marketing tại một công ty phát triển phần mềm game - cũng đắn đo chuyện nghỉ việc trong những tháng cuối năm. Bắt đầu quý IV, nhân viên này phải đối mặt với khối lượng công việc "khổng lồ" và không thể giải quyết hết vì công ty thiếu nhân sự.

"Bộ phận của tôi đang thiếu người mà chưa tuyển được người. Bởi vậy, tôi phải hoàn thành đầu việc của 2-3 người cộng lại. Vất vả cả năm, tôi chỉ mong sớm được nhận thưởng tết" - anh Nghĩa chia sẻ.

Đã lập gia đình và có 2 con nhỏ nên khoản thưởng Tết càng quan trọng với chị P.N (Nam Định). Chồng chị cũng là nhân viên văn phòng, thu nhập trung bình một tháng của hai vợ chồng khoảng 17-18 triệu đồng.

Với mức sinh hoạt hiện nay tại Hà Nội, trừ các chi phí thuê trọ, điện, nước, chị P.N cũng không để dư được đồng nào. 

Cũng rơi vào cảnh chán nản công việc với mức lương thấp, đòi hỏi cao, thế nhưng chị P.N vẫn cố bám trụ công ty. Chị P.N cũng biết được năm nay công ty chị thưởng Tết "đậm" cho nhân viên. Do đó, chị P.N hy vọng sớm nhận được khoản tiền này trước Tết để mua sắm, trang trải cuộc sống. 

"Cả năm làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp, cuối năm là thời gian được hưởng thành quả. Nếu không vì lý do bất khả kháng buộc phải đổi việc, tôi nghĩ nếu muốn nhảy việc hãy chọn thời gian sau Tết Nguyên đán. Bạn cũng có thêm thời gian suy nghĩ, cân nhắc lại, quyết định đúng đắn hơn cho bản thân" - chị P.N bày tỏ.

Chị Trần Thủy (SN 1997) là quản lý sự kiện ở một công ty truyền thông cho biết, tháng 9.2020 khi vừa ra trường, chị xin vào làm việc tại công ty. Vì là sinh viên vừa tốt nghiệp, không có kinh nghiệm nên chị chấp nhận không có chính sách đãi ngộ, khen thưởng. Tuy nhiên, sau đó công ty không có chế độ nâng lương, khen thưởng ngay cả khi chị đã làm tốt...

Ngoài tiền thưởng Tết, với chị Thủy, sức khỏe tinh thần phải là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Lương Hạnh.

"Tiền thưởng và lương tháng 13 quan trọng, nhưng để so sánh với sức khỏe tinh thần của mình thì hoàn toàn không đáng. Tôi không có động lực đi làm, cảm thấy chán ghét chính công việc hằng ngày của mình" - chị Thủy nhấn mạnh.

Nói về dự định sắp tới, chị Thủy khẳng định sẽ xin nghỉ việc sau Tết Nguyên đán 2023. "Tôi đã nhận được lời mời làm việc từ một công ty khá có tiếng. Ra Tết, tôi sẽ cho mình khoảng thời gian ổn định tâm lý rồi vào làm việc tại công ty này" - chị Thủy nói.

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề: "Nghỉ việc hay cố làm để nhận thưởng tết" bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn