MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gần 20 hộ dân xóm 13 (xã Phúc Hà, TP Thái Nguyên) nằm lọt thỏm dưới chân bãi thải mỏ than Khánh Hoá với nỗi lo sạt lở mỗi ngày. Ảnh: Nguyễn Tùng

Thường trực nỗi lo sạt lở dưới chân các bãi thải khi mùa mưa đến

Nguyễn Tùng LDO | 12/09/2023 11:58

Mùa mưa bão đến cũng là lúc nỗi lo lắng, bất an của hàng trăm hộ dân sống dưới chân các bãi thải than ở Thái Nguyên tăng lên, bởi hàng tấn đất đá có thể sạt lở tràn vào nhà bất cứ lúc nào.

Ghi nhận của PV, đầu tháng 9.2023, sự im ắng sau thời gian dừng hoạt động ở mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ) vẫn không làm người dân tại đây hết lo. Dừng khai thác không có nghĩa là không có nguy cơ, bởi những đống than, xít thải vẫn "treo" trên đầu.

Với hơn 100 hộ dân thôn Ao Soi (xã Na Mao) sống dưới chân mỏ than Minh Tiến, nỗi lo nguy cơ sạt trượt từ núi bãi tập kết than, xít thải vẫn luôn thường trực, đặc biệt mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Chị Hoàng Thị Huấn (xóm Ao Soi) cho hay, người dân ở đây quanh năm sống trong lo lắng, không biết khi nào đống than, đá khổng lồ đang án ngữ trên mỏ sẽ sạt xuống. Thực tế thì sau mỗi đợt mưa, bùn từ xít thải đã tràn xuống ruộng.

Mảnh ruộng của chị Huấn cách mỏ than Minh Tiến không xa và luôn đối mặt với nỗi lo sạt lở đất, đá (chụp tháng 1.2023). Ảnh: Nguyễn Tùng

"Người dân thường xuyên phải thu dọn bùn, xít thải tràn xuống. Mùa mưa bão thì sợ lắm, chúng tôi mong muốn được di dời dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở này, chứ sống ở đây rất bất an" - chị Huấn than thở.

Ngày 12.9, trao đổi với PV, ông Nông Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Na Mao - cho biết, mấy năm nay, xã đã nhiều lần báo cáo lên huyện và sở, ngành hỗ trợ địa phương di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Vào mùa mưa bão, chính quyền địa phương cũng cử người cảnh giới, vận động nhân dân ra trú ở nơi an toàn.

"Đến nay, vẫn còn 7 hộ gia đình là người dân tộc thiểu số sống dưới chân bãi thải chưa thể di dời do chưa có kinh phí để hỗ trợ" - ông Đông thông tin.

Thời điểm đầu tháng 9.2023, những tấm biển cảnh báo sạt lở vẫn được cắm dày đặc trên đường vào thôn Ao Soi. Ảnh: Nguyễn Tùng

Trong khi đó, với cụm dân cư xóm 13 xã Phúc Hà (TP Thái Nguyên) mặc dù đã hàng chục năm sống dưới chân bãi thải mỏ than Khánh Hoà nhưng nỗi lo lắng của họ vẫn cứ lớn dần theo chiều cao của bãi thải.

Đứng từ sân nhà anh Phạm Ngọc Cương (xóm 13) có thể quan sát được toàn bộ núi thải, nghe rõ những tiếng ào ào của đất đá mỗi khi có xe ben đổ xuống. Gia đình anh Cương nhiều năm qua vẫn miệt mài mang đơn đi đòi quyền lợi.

"Ở khu này, nhà nào gần thì cách bãi thải chỉ bằng một con đường bê tông 2 m, nhà nào xa lắm thì cũng chỉ hơn 100 m. Đã có những thế hệ thứ 3 sinh ra và lớn lên cùng bãi thải này, sống với bụi than, tiếng ồn, nước bẩn và nỗi lo sợ" - anh Cương cho hay.

Theo anh Cương, trận mưa lớn đầu tháng 9 vừa qua đã khiến bùn và nước bẩn từ bãi thải mỏ than Khánh Hoà tràn về khu dân cư. Ảnh: Nguyễn Tùng

Anh Cương cho hay, tỉnh và TP Thái Nguyên đều trả lời không có quỹ đất tái định cư. Ngày 10.9 vừa qua, các hộ dân được hướng dẫn gửi đơn lên xã đề nghị từ chối tái định cư. Nhưng với mức hỗ trợ di dời 100 triệu đồng cùng với giá đất đền bù chỉ hơn 1 triệu đồng/m2 thì người dân không biết mua được đất ở đâu.

Ngày 12.9, thông tin tới PV, ông Nguyễn Đức Nhất - Chủ tịch UBND xã Phúc Hà - cho biết, người dân xóm 13 nhiều lần phản ánh ô nhiễm và nguy cơ sạt lở bãi thải cả bằng đơn thư và ý kiến qua các cuộc tiếp xúc cử tri.

"Tuy nhiên, cũng không ai dám chắc ngày mai hoặc trong tương lai tình trạng của bãi thải sẽ thế nào, những lo lắng, bất an của người dân là có căn cứ.

Về việc di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, địa phương đang thống kê, tập hợp nguyện vọng của các hộ dân xem ai có nhu cầu tái định cư, ai có nhu cầu nhận tiền hỗ trợ để báo cáo thành phố có phương án cụ thể" - ông Nhất cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn