MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy thủy điện Chư Pông Krông thi công khiến dòng chảy xuống hạ lưu sông Krông Nô hoàn toàn bị thay đổi. Ảnh: H.L

Thủy điện nắn dòng, chặn sông giữa đại hạn, người dân điêu đứng

Hữu Long LDO | 31/03/2020 07:27

Người nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang thiếu cả nước sinh hoạt và sản xuất, trong khi nhiều công trình thủy điện lại nắn dòng, thay đổi dòng chảy, khiến nông dân khổ lại càng thêm khốn đốn.

Điêu đứng vì thủy điện

Gia đình bà Nguyễn Thị Như (trú thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) từ đầu năm đến nay như ngồi trên đống lửa vì không biết tìm đâu ra nguồn nước tưới cho 5 sào cà phê đang độ ra hoa. Theo bà Như, sông Krông Nô trước vốn hiền hòa, cung cấp nước tưới cho hàng chục nghìn hécta cây trồng của người dân ven đôi bờ. Rồi khi thủy điện Chư Pông Krông đi vào hoạt động, dòng chảy trên sông cứ thế bị teo tóp dần.

“Mấy tháng nay không có nước tưới vì thủy điện hoạt động làm thay đổi dòng sông. Mùa màng vụ này chắc chúng tôi mất trắng” - bà Như nói.

Trong khi đó, nhiều năm trước việc tưới tiêu cho cánh đồng đồng Buôn Sứk và cánh đồng D12 (xã Quảng Phú) đã có 1 trạm bơm thuộc chi nhánh của Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Krông Nô, với công suất 270m3/giờ. Trạm bơm này có chức năng tưới tiêu cho khoảng 120ha. Nhưng nay, do tác động của thủy điện Chư Pông Krông, việc bơm nước từ sông lên là rất khó khăn.

Tương tự, thủy điện Thượng Kon Tum mới bắt đầu tích nước và vận hành thử nghiệm. Tuy vậy, việc chuyển dòng của Thủy điện thượng Kon Tum đã gây ra việc thiếu hụt 20% lượng nước chảy về sông Đắk Bla.

Chị Nguyễn Thị Thủy, người dân huyện Kon Rẫy cho rằng, việc thủy điện Thượng Kon Tum lấy nước ở Kon Tum đưa về Quảng Ngãi là điều chưa hợp lý. “Tại dòng chính ở phía Kon Tum vào mùa khô, nước bị chuyển từ đường ống vào máy phát điện rồi qua tỉnh Quảng Ngãi. Còn mùa mưa lũ khi nước đầy hồ, họ sẽ xả nước xuống hạ lưu. Vậy, người dân ở hạ lưu sông Đắk Snghé chỉ còn hứng chịu hậu quả lũ lụt, còn nắng hạn thì không được thụ hưởng giọt nước nào từ dòng sông này” - chị Thủy bức xúc.

Đâu là lời giải?

Ông Doãn Gia Lộc - Trưởng phòng NNPTNT huyện Krông Nô (Đắk Nông) xác nhận việc thiếu nước tưới của người dân trên địa bàn huyện chủ yếu do thủy điện thi công làm thay đổi dòng chảy. Trước mong muốn chính đáng của người dân, ông Lộc cho rằng, nếu chủ đầu tư không rốt ráo, dứt điểm vấn đề này, ngành nông nghiệp sẽ có văn bản tham mưu cho UBND huyện Krông Nô gửi Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TNMT) đề nghị không cấp phép sử dụng mặt nước cho dự án Nhà máy thủy điện Chư Pông Krông.

Còn tại Kon Tum, trước tình trạng nguồn nước trên sông Đắk Snghé không ổn định do thủy điện, chính quyền lại chật vật đi tìm các giải pháp để chống hạn, khắc phục thiệt hại đến đời sống sản xuất cho người dân.

Ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum cho biết, khi thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng tích nước đã để lại một nhánh nhỏ chảy về đập Thủy điện Đắk Ne. Thời điểm này, Thủy điện Đắk Ne cũng tích nước một vài hôm để phát điện. Để đảm bảo sản xuất của người dân, Sở Công Thương yêu cầu phía Thủy điện Đắk Ne tạm dừng việc phát điện, ưu tiên cho mục tiêu xả nước đảm bảo cho đời sống người dân phía hạ lưu. Còn trong trường hợp Thủy điện Đắk Ne đã điều tiết nước nhưng lượng nước không đủ tưới tiêu cho người dân thì Thủy điện Thượng Kon Tum phải có trách nhiệm hỗ trợ, tổ chức chạy máy để đảm bảo đến thời gian xả ra môi trường.

Nhưng có lẽ cả chính quyền Kon Tum lẫn người dân hạ nguồn sông Đắk Snghé đã “nắm lưỡi dao”, bởi đại diện Ban Quản lý Dự án Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (đơn vị chủ quản nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum) vẫn khẳng định, dù thủy điện chuyển nước về Quảng Ngãi nhưng vẫn duy trì dòng chảy ra môi trường...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn