MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe ghép, xe tiện chuyến đang được nhiều người lựa chọn. Ảnh: Minh Hạnh

Tiện ích, linh hoạt, xe ghép được ưa chuộng nhưng vẫn... ngoài vòng pháp luật

Minh Hạnh LDO | 24/02/2024 14:12

Thuận tiện khi đáp ứng được nhu cầu của người dân nhưng xe đi chung, xe ghép lại đang đứng “ngoài vòng pháp luật” khi không đăng ký kinh doanh, không nộp thuế và phá vỡ quy hoạch luồng tuyến vận tải khách công cộng.

Linh hoạt như... xe ghép

Để có cuốc xe chạy Thái Nguyên - Hà Nội vào lúc 6h sáng, anh Ngô Văn Trung (trú tại Gia Sàng, TP Thái Nguyên) phải dậy từ 5h kiểm tra xe và gọi điện thoại đánh thức khách dậy.

Sáng 23.2.2024, anh Trung đón khách tại 4 địa điểm ở tỉnh Thái Nguyên là phường Gia Sàng, đường Bến Tượng, huyện Đồng Hỷ và Đại học Nông Lâm. Để gom đủ khách tại các địa điểm trên, anh Trung phải chạy khoảng hơn 20km rồi mới chính thức xuất phát từ Thái Nguyên về Hà Nội.

Là người được đón đầu tiên từ phường Gia Sàng, phóng viên ghi nhận rất nhiều cuộc điện thoại của anh Trung thông báo với khách chuẩn bị ra điểm đón và cũng chừng ấy cuộc gọi cho các "đồng đội" về tình hình khách trên xe. Các nhà xe sẽ chia sẻ lượng khách, địa điểm trả khách tại Hà Nội để nếu cùng chung khu vực mà các xe vẫn rỗng thì sẽ dồn, ghép khách...

Trong quá trình đón khách tại đường Bến Tượng, do khách ngủ quên không thể liên lạc được, anh Trung đã rất vất vả gọi đi gọi lại nhiều lần.

Anh Trung vừa lái xe vừa điện thoại gọi khách. Ảnh: Minh Hạnh

Theo anh Trung, hiện trên địa bàn TP Thái Nguyên có khoảng 500 xe từ 5 đến 7 chỗ ngồi chạy xe ghép, do đó, việc cạnh tranh cũng rất lớn. Nếu để khách không hài lòng, nhà xe sẽ mất khách, đối diện nguy cơ phá sản...

Công việc vất vả là vậy nhưng phần lớn những lái xe như anh Trung chỉ có thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.

Trúng nhu cầu của thượng đế

Mặc dù chưa được công nhận là một phương thức vận tải chính thống nhưng vài năm nay, xe ghép, xe đi chung đã được nhiều người dân lựa chọn.

Bà Đỗ Minh Thoan (trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho biết, trước đây, mỗi lần lên Hà Nội thăm con tại phố Đội Cấn, ngoài tiền vé xe khách, bà phải đi xe ôm từ bến xe Mỹ Đình về mất thêm 50.000 đồng. Nay đi xe ghép, xe tiện chuyến với giá 250.000 đồng/lượt tuy đắt hơn một chút nhưng đưa đón tận nhà, không phải chen lấn, mệt mỏi.

Theo anh Đinh Tùng Lâm (trú tại tổ 4, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên), trước đây, việc phải đi công tác tại Hà Nội là nỗi ám ảnh vì nếu tự đi xe ôtô cá nhân thì không thuộc đường, nên không ít lần, anh vô tình vi phạm giao thông. Nếu đi xe khách thì phải đi thêm chặng taxi hoặc xe buýt, xe ôm rất bất tiện. Từ khi có xe ghép, xe tiện chuyến, việc đi lại của anh Lâm rất đơn giản.

Nhiều người dân lựa chọn xe đi ghép, đi chung. Ảnh: Minh Hạnh

Anh Thượng Trung (trú tại tổ 8 phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang) cũng cho biết, trước đây, mỗi lần về Hà Nội, anh phải đi xe khách. Đã 2 lần anh Trung bị móc túi mất hết tiền bạc và giấy tờ. Giờ có xe ghép đưa đón tận nơi, anh Trung yên tâm mỗi lần về thủ đô công tác.

“Tuy giá vé có đắt hơn xe khách nhưng tính chi li thì lại rất phù hợp với nhu cầu”, anh Trung cho hay.

Tuy nhiên, dù được đánh giá là thuận tiện, dòng xe ghép, xe đi chung vẫn là dạng “xe dù” vì không có đăng ký kinh doanh, không nộp thuế cho Nhà nước và phá vỡ luồng tuyến vận tải khách công cộng.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA), để quản lý loại xe này, Bộ GTVT cần phải giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu để có chủ trương rõ ràng về xe ghép, xe đi chung.

Ông Quyền cho rằng, xét ở góc độ thị trường, xe ghép, xe đi chung đã tạo thuận lợi đi lại cho một số người, nhưng loại hình kinh doanh vận tải này chưa hợp pháp. Vì Luật Giao thông Đường bộ quy định rõ kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải được cấp phép, người điều khiển phương tiện phải có chứng chỉ lái xe kinh doanh vận tải, tổ chức an toàn giao thông và nộp thuế...

Cũng theo ông Quyền, hiện Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cần nghiên cứu xem có cho phép hình thức kinh doanh này hoạt động hay không. Nếu cho phép thì các giải pháp quản lý sẽ có phạm vi hoạt động bao nhiêu km và qua bao nhiêu tỉnh liền kề; Quy định các điểm đón trả khách tại đô thị, được hoạt động trong phạm vi thời gian nào; Phải đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải và kê khai thuế với Nhà nước; Quy định về trách nhiệm của lái xe như thế nào trong quá trình thực hiện kinh doanh vận tải, doanh nghiệp vận tải, hộ kinh doanh sẽ phải chịu sự quản lý của Nhà nước ra sao... Nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ GTVT vận trả lời.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Phó trưởng khoa Vận tải Kinh tế - Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, xét về nhu cầu người sử dụng thì xe ghép, xe đi chung quá ổn. Vấn đề quan trọng nhất là việc quản lý đối tượng này như thế nào về thuế, quy hoạch luồng tuyến vận tải.

“Trên thực tế, chúng ta không thể cấm nhu cầu và mong muốn chính đáng của người dân”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn