MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiếp tục tranh cãi tăng lương hưu theo tỉ lệ % hay giá trị tuyệt đối

Bảo Hân – Quỳnh Chi (tổng hợp) LDO | 31/03/2021 08:06
Tăng lương hưu theo tỉ lệ % hay tăng theo giá trị tuyệt đối thì công bằng hơn, tốt hơn vẫn đang thu hút được nhiều ý kiến của bạn đọc Báo Lao Động.

Nhiều bạn đọc phản đối phương án điều chỉnh lương hưu theo tỉ lệ %, bởi như vậy “người có mức lương hưu cao lại càng cao; người thấp thì được tăng không đáng kể; chênh lệch mức lương ngày càng tăng”.

“Tốt nhất là tăng bình quân một số tiền cụ thể cố định/người (kiểu như thưởng Tết hàng năm 300.000 đồng/người, ai cũng như ai)”- bạn đọc Quốc Dân nêu ý kiến.

Cùng với ý kiến trên, bạn Hồ Ngọc Hựu cho rằng: “Những người đóng bảo hiểm xã hội cao thì đã được nhà nước cấp cho mức lương cao rồi; còn khi tăng lương hưu thì nên tăng đều vì khi nghỉ hưu rồi đâu còn đóng bảo hiểm nữa mà mức sống của mỗi người cũng cần như nhau cho nên đề nghị tăng lương hưu theo bình quân đầu người để rút ngắn khoảng cách trong cuộc sống, để những người có mức lương hưu thấp đỡ vất vả hơn.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Toàn cũng chia sẻ với ý tưởng lương hưu không tăng theo phần trăm mà tăng theo số tiền. “Ví dụ lương hưu 2, 3, 5, 7 triệu đồng gì thì không cần biết, nhưng mỗi suất tăng 300.000 đồng hoặc 500.000 đồng là hợp lý nhất vì khi đã về hưu rồi còn cống hiến gì nữa mà phải tính phần trăm. Nghỉ hưu rồi là như nhau. Vậy, tăng như nhau là hợp lý. Khi anh về lương cao rồi mà tính % thì lại càng cao. Vậy không nên tính % là hợp lý”.

Cùng với ý tưởng trên, bạn đọc Giao Võ cho rằng, nên tăng cào bằng, nghĩa là tăng đều cho mỗi người 500.000 - 700.000 đồng là tốt nhất. “Dứt khoát không tăng theo % vì người đang hưởng lương cao sẽ cao mãi và người hưởng lương thấp suốt đời vẫn khó khăn” - bạn đọc này nhấn mạnh.

Tuy vậy, cũng có rất nhiều bạn đọc phản đối ý tưởng trên và cho rằng, phải tăng theo tỉ lệ % mới hợp lý.

Theo bạn đọc Công Thành: Tăng lương hưu cho tất cả mọi thành phần là hợp lí. Người có lương hưu cao vì đã có quá trình đóng bảo hiểm xã hội cao và đúng Luật Bảo hiểm xã hội, không thể đòi hỏi bảo hiểm xã hội trả thêm lương hưu cho những người đóng ít mà được hưởng nhiều. Đã là chính sách thì phải công bằng; đóng góp nhiều thì được hưởng nhiều.

Bạn đọc Phạm Văn Tuấn phân tích: Lương hưu chính là số tiền lương của mỗi người hàng tháng được trích ra để đóng bảo hiểm xã hội. Khi đóng đủ thời gian, độ tuổi theo quy định, khi thôi công tác, lao động thì bảo hiểm xã hội trả lương hưu. Như vậy, người đóng bảo hiểm nhiều khi nhận lương hưu bảo hiểm trả sẽ cao. Khi Nhà nước tăng lương hưu, trợ cấp xã hội phải tăng % như nhau mới đúng, mới khuyến khích mọi người tham gia đóng bảo hiểm xã hội và công bằng xã hội.

Một số bạn đọc khác lại đặt vấn đề phải quan tâm hơn đối với những người về hưu sớm do bệnh tật, suy giảm sức khoẻ.

Bạn đọc Công Bằng nói: Khi xây dựng chính sách về lương hưu hãy đặt mình vào vị trí về hưu sớm do bệnh tật, suy giảm sức khỏe sẽ thấy rõ nhất cuộc sống của họ rất khó khăn.

“Vì đối với người về hưu sớm do bệnh tật, cuộc sống càng thêm khó khăn chồng chất vì bệnh phải chữa trị suốt cả đời lại còn không có tiền để đảm bảo cuộc sống, vậy nên cân nhắc có chế độ tính lương hưu phù hợp. Và khi tăng lương hưu phải tăng tỉ lệ cao nhất cho những người về hưu sớm vì lý do suy giảm sức khỏe thì mục đích đảm bảo an sinh xã hội tốt nhất”- bạn đọc này bình luận.

Theo bạn đọc Bùi Văn Giới, xem xét tăng cho những người nghỉ hưu trước tuổi do mắc bệnh nan y, hiểm nghèo có mức lương dưới 2 triệu đồng/tháng là hoàn toàn hợp lý và nhân văn. “Đa số những người này ngoài lương hưu ra không còn thu nhập nào khác dù tuổi của họ chưa thật sự cao”- bạn đọc Bùi Văn Giới bình luận.

Kính mời bạn đọc Báo Lao Động tham gia bình luận về nội dung 2 phương án điều chỉnh lương hưu và trợ cấp xã hội. Những bình luận của bạn đọc sẽ được Báo Lao Động lựa chọn, đăng tải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn