MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bức ảnh ông Liên đăng trên Facebook kèm theo bình luận vô căn cứ.

Tiếp viên tưởng tượng và anh hùng bàn phím

Hiếu Lân LDO | 19/11/2016 20:50
Hôm qua, tôi không tin vào mắt mình khi một facebooker tự xưng là nhà báo đăng hình ảnh một cô gái bị một quan chức ôm ấp, sàm sỡ mà anh ta cho rằng đó là một trong 21 cô giáo ở Hồng Lĩnh bị điều đi tiếp khách. Chỉ trong vài giờ, đã có hàng ngàn like, share và còm (comment) cho tấm ảnh… bịa đặt của “anh hùng bàn phím” này!!!  
Facebooker Nguyễn Liên viết  “Người ta gọi đây là những tên dâm quan, đây là hình ảnh một trong 21 cô giáo được chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh và Phòng giáo dục thị xã điều đi tiếp khách là quan chức Hà Tĩnh. Các bạn xem hình ảnh quan chức đang ép cô giáo trong buổi tiếp khách mà trưởng phòng giáo dục thị xã nói là bình thường…”.
Đại đa số bình luận đã phẫn nộ, bức xúc và rất nhiều lời chửi bới, lên án bởi tấm ảnh như “đổ dầu vào lửa” này khi sự việc tai tiếng trên ở Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chưa lắng xuống. Nếu đúng thì đây là một vết nhơ khó rửa, nhưng tất cả chỉ một gán ghép ác ý, hoàn toàn không có thật.

Nhiều người và cả tôi đã tò mò vào thử hỏi Google để rồi không khó tìm ra bài báo với những tấm ảnh y hệt trên baogiaothong.vn đăng ngày 22.9.2015! Chúng được cắt từ đoạn clip ông Trần Kiến Minh - Phó bí thư Đảng uỷ xã Trường Tây (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) - lột đồ gái làng chơi bị rò rỉ trên mạng khiến ông này bị khai trừ khỏi Đảng vì vi phạm kỷ luật.

Nói rằng Nguyễn Liên kia chỉ vô tình, khó người tin, bảo là anh ta chỉ chia sẻ từ ai đó, cũng chưa có bằng chứng vì tất cả đều share từ facebook Nguyễn Liên mà thôi. Nhưng làm thế để làm gì? Nổi tiếng, câu like hay tỏ ra mình biết tuốt? Tôi chưa biết và các cơ quan chức năng cũng đang làm rõ. Tôi cũng không kết tội anh ta và những “anh hùng bàn phím” rào rào gạch đá, tôi chỉ muốn nói về những điều khác.

Các cô giáo dính vào chuyện này đã chịu quá nhiều điều tiếng và có thể cả dị nghị từ người thân. Họ sẽ sống ra sao nếu tấm ảnh trên không nhanh chóng bị bóc mẽ và tốc độ lan truyền nhanh hơn điện cùng những bình luận vô cùng khiếm nhã tràn ngập? Và những gì đã xấu sẽ xuống tới đâu và thê thảm dường nào khi thông tin ác ý được chia sẻ với chủ đích xấu? Xã hội này chẳng bao giờ tốt đẹp hơn nếu người ta cứ cố tình ác ý làm cho nó xấu hơn bằng những tin tức bịa đặt và vô trách nhiệm như thế.

Đã gỡ, rồi sẽ làm rõ động cơ và mục đích, nhưng dẫu là thế giới ảo, cũng đừng làm người khác thêm đau khi mình không muốn đau. Anh ấy và nhiều người vô tâm khác sẽ nghĩ sao khi nạn nhân là người thân của mình và những trò “tay nhanh hơn não” sẽ gây ra hậu quả không lường hết được?

Tôi không dám răn dạy ai nhưng thực hay ảo thì cũng cần có một chút tình người, chẳng làm gì cả, chỉ cần giúp nhau tránh được cái ác nhiều hơn mà thôi. Khi chưa làm cho cuộc sống sáng sủa hơn, ít nhất cũng đừng bôi cho đen, các vị ạ!

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn