MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau khi bị công khai danh tính, hai GV Trường THPT TX Bình Long (người tố cáo) đã bị kỷ luật. Ảnh: PV

Tiết lộ họ tên người tố cáo: Chế tài xử lý ra sao?

QUANG ĐẠI LDO | 31/12/2017 13:41
Vừa qua, nhiều vụ tiết lộ, công khai họ tên, địa chỉ người tố cáo xôn xao dư luận. Mặc dù đây là hành vi pháp luật nghiêm cấm, nhưng chưa có chế tài cụ thể để xử lý.

Như Lao Động đã thông tin, trong quá trình thụ lý đơn tố cáo, Sở GD-ĐT Bình Phước đã nhiều lần công khai họ tên, địa chỉ người tố  cáo, ra văn bản gửi nhiều nơi, thậm chí yêu cầu kỷ luật người tố cáo.

Trước đó, Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đã công khai họ tên người tố cáo bị dư luận phản ứng. Chi Cục thuế Nghĩa Đàn (Nghệ An), Chủ tịch UBND xã Nghi Phong (Nghi Lộc, Nghệ An)… cũng “hồn nhiên” công khai họ tên người tố cáo.

Tuy nhiên, cho đến nay, hình thức kỷ luật mà Chủ tịch UBND xã Nghi Phong (Nghi Lộc) phải chịu cũng chỉ là… kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Chưa có thông tin về các trường hợp khác bị xử lý vì để lộ họ tên người tố cáo.

TS.Luật sư Nguyễn Trọng Hải (Nghệ An) cho biết: Việc tiết lộ họ tên, địa chỉ người tố cáo là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hiện không có chế tài xử lý về hành vi này. Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chỉ xem xét kỷ luật về hành vi vi phạm trong công tác.

TS Luật Nguyễn Huy Hoàn (Đà Nẵng) cho biết: Luật pháp hiện nay còn có nhiều kẽ hở, mà trường hợp không có chế tài xử lý người để lộ thông tin về người tố cáo là một ví dụ. Luật Tố cáo nghiêm cấm việc tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích người tố cáo cũng như các thông tin gây hại cho người tố cáo, nhưng lại không có chế tài xử lý vi phạm.

“Đã có rất nhiều trường hợp người tố cáo bị trù dập, trả thù, thậm chí có án mạng do bị tiết lộ danh tính. Cơ chế bảo vệ không hữu hiệu, vậy dân ai dám đứng ra tố cáo nữa”, Luật gia Hoàn nói.

Theo luật gia này, quy định của pháp luật nhiều trường hợp thừa, vô lý, không hữu hiệu phải bãi bỏ (ví dụ công chức chết tối đa không được viếng quá 7 vòng hoa, ghi tên con cái vào sổ đỏ…); nhưng rất nhiều trường hợp khác lại thiếu, không chặt chẽ.

“Về nguyên tắc pháp lý, điều gì đã nghiêm cấm thì phải có chế tài đi kèm, rất cụ thể và lường trước mọi tình huống”, Luật gia Hoàn cho hay.

Việc tiết lộ, công khai họ tên người tố cáo vi phạm Luật Tố cáo 2011, Luật Cán bộ, công chức 2008, Luật Viên chức 2012… và có thể bị kỷ luật theo các văn bản dưới luật, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 361 Bộ Luật Hình sự 2015:

Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 110, 337 và 342 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn