MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiêu chí tìm việc của người lao động

Mạnh Cường LDO | 28/02/2024 07:34

Phần lớn người lao động khi tìm việc đều mong mỏi được làm ở một doanh nghiệp có thương hiệu, môi trường thuận lợi, lộ trình thăng tiến rõ ràng và thu nhập, đãi ngộ tốt.

Anh Hoàng Đình Tú (34 tuổi, Nam Định) chia sẻ, khi bắt đầu một môi trường làm việc mới, anh luôn muốn làm tại những nơi có thương hiệu. Theo anh Tú, doanh nghiệp không cần quá lớn, nổi tiếng nhưng phải được nhiều người biết đến và đảm bảo thu nhập tốt.

Theo anh Tú, làm việc ở nơi có môi trường tốt sẽ mang lại khá nhiều lợi ích. Đầu tiên là nâng cao uy tín của bản thân, thứ hai dễ dàng hoàn thành công việc và thứ ba là được hưởng chế độ đãi ngộ tốt.

Anh Tú đang làm Trưởng Trạm giao vận tại một sàn thương mại điện tử. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ kỹ hơn, anh Tú cho biết, nếu bán hàng tại các thương hiệu nổi tiếng, khách hàng sẽ tin tưởng, dễ dàng quyết định chọn mua hơn những thương hiệu nhỏ. Đồng thời, không phải phần đa nhưng các chế độ đãi ngộ như lương, thưởng,… đều tốt hơn vì nguồn lực tài chính công ty lớn khá dồi dào.

Dù vậy, anh Tú cũng không phủ định những công ty nhỏ, chưa có danh tiếng trên thị trường là không tốt. Nếu muốn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm cho bản thân thì các công ty quy mô vừa sẽ lý tưởng hơn. Bởi những công ty lớn thường yêu cầu rất khắt khe về năng lực và các yếu tố khác đi kèm.

Chị Hoàng Thanh Tâm (32 tuổi) ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, tiêu chí chọn nơi làm việc của anh là được làm việc tại những nơi có người quản lý tâm lý, môi trường thân thiện, cởi mở và lộ trình thăng tiến rõ rằng.

“Người làm sáng tạo nội dung như tôi thường xuyên bí ý tưởng khi làm việc. Những lúc như vậy, tôi chỉ mong sếp không quở trách mà động viên, giúp đỡ để hoàn thành công việc. Tôi cũng mong được làm việc với các đồng nghiệp cởi mở, thân thiện để cảm thấy thoải mái nhất mỗi ngày đến công ty” - chị Tâm bày tỏ quan điểm về nơi làm việc lý tưởng.

Đồng thời, chị Tâm sẽ ưu tiên các công ty có chính sách thưởng hấp dẫn khi hoàn thành vượt chỉ tiêu. Lộ trình tăng lương, thăng chức nên xét duyệt 6 tháng/lần, chậm nhất là 1 năm để bản thân có động lực cố gắng mỗi ngày.

Chị Nguyễn Thị Thúy (25 tuổi) chia sẻ: “Là công nhân chỉ mong được làm việc trong những công ty quy mô đủ lớn. Đồng thời, môi trường làm việc thân thiện, được đóng bảo hiểm xã hội, lương thưởng hấp dẫn và có tổ chức công đoàn luôn quan tâm đứng về phía người lao động”.

Chị Thúy chia sẻ, các công ty có thương hiệu sẽ tuân thủ rất nghiêm việc đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Đồng thời, họ có tổ chức công đoàn tốt, biết quan tâm, bảo vệ quyền lợi cho người lao động những lúc gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống hàng ngày.

Chị Thúy mong được làm việc tại những nơi nổi tiếng, có đãi ngộ tốt và được đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: NVCC.

Quan điểm trên được chị Thúy rút ra sau khi đã quyết định nghỉ việc tại tại xưởng may tư nhân với hơn 1 năm gắn bó nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội. Ngay khi vào công ty mới, quy mô hơn 2.500 công nhân, chỉ sau 2 tuần thử việc, chị Thúy đã được công ty đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Với chị, bảo hiểm xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hơn 2 năm gắn bó, một lần sinh con hưởng trợ cấp thai sản và gần chục lần nghỉ ốm đi khám bệnh, chị Thúy càng thấm rõ hơn vai trò của bảo hiểm xã hội. Do đó, nếu công ty mới mập mờ hoặc không có chế độ bảo hiểm xã hội, chị sẽ xin nghỉ ngay lập tức.

Về lương, thưởng chị Thúy sẽ thăm dò trước nơi dự định làm việc qua những người đang làm việc tại đó. Bản thân chị luôn ưu tiên các công ty có thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng trở lên nếu tăng ca từ 9 tiếng và có tay nghề cơ bản. Bên cạnh đó, về lương cơ bản, theo nữ công nhân cũng phải tăng theo hằng năm để đảm bảo thu nhập cho những lúc khó khăn và đuổi kịp giá cả thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn